Là người đồng hành cùng các dự án định hướng cho sinh viên (SV), anh Lê Đình Hiếu (Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2018, tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH California, Los Angeles, Mỹ), có những chia sẻ với phóng viên Thanh Niên về vấn đề việc làm của SV khi ra trường.
Không hiểu được chính mình
Trong thời buổi năng động và nhiều cơ hội như hiện nay, tại sao nhiều SV ra trường vẫn phải đối diện với thất nghiệp, hoặc không tìm được công việc như mong muốn?
Năm 2018, Học viện Đào tạo phương pháp tư duy và kỹ năng sống G.A.P phối hợp với Trung tâm UNESCO Văn hóa giáo dục và đào tạo khảo sát 1.200 SV chuẩn bị ra trường. Kết quả chỉ có 7% SV đánh giá là công tác hỗ trợ việc làm, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho SV ở trường đại học là hiệu quả. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 90% còn lại hoặc là không thấy hoạt động đó ở trường hoặc là có nhưng không hiệu quả. Đó là con số rất đáng để suy nghĩ.
Mặc dù thị trường việc làm không khan hiếm, sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng rất nhanh, thế nhưng, đến cả việc đầu tiên và đơn giản nhất là khả năng tìm kiếm công việc thì chính SV cũng đã cảm thấy khó khăn.
Theo tôi, cách dạy học “đọc - chép” của chúng ta kéo dài 12 năm học sinh và thậm chí kéo dài đến 4 năm đại học, dẫn đến SV quá quen thuộc với việc làm mọi thứ đều có sự hướng dẫn của giáo viên. Thậm chí đến khi thi kết thúc môn ở đại học, SV cũng trông chờ đề cương. Nên khi ra thị trường lao động, phải tự động tìm kiếm thì lại gặp khó khăn vô cùng.
Một điều nữa cũng rất quan trọng, không những SV không có những kỹ năng để kiếm việc ở bên ngoài, mà ngay cả những điều bên trong của bản thân mình cũng chưa giỏi, cũng không có khả năng tự đánh giá chính mình. Tức là SV cũng không biết mình mạnh hay yếu về cái gì và công việc nào thì phù hợp với mình...
Mạng lưới kết nối rất quan trọng
Vậy điều gì quyết định đến sự thành công bước đầu khi ra trường mạnh dạn tham gia vào thị trường lao động, thưa anh?
Ngày xưa lúc học đại học tại Mỹ, ngay từ năm 2 là tụi tôi đã được kết nối để làm việc với những người cố vấn ở trong trường. Sau đó, khi tụi tôi cho biết là quan tâm đến những lĩnh vực nào thì sẽ được gặp những người hướng dẫn mà hầu hết đều là cựu SV của trường và họ đều đã hoặc đang làm trong những lĩnh vực mà tụi tôi quan tâm. Thậm chí, còn có những chương trình mỗi tối để mình kết nối với những người đi trước.
Từ năm 3, năm 4 là sẽ có những buổi nói chuyện về CV (lý lịch), cách xin việc làm... Nên khi ra trường, cho dù chưa biết chắc chắn có thực sự đam mê với ngành đó hay không, nhưng mình biết rất rõ là bản thân có khả năng làm được những gì, thế mạnh của mình là gì và có những “vũ khí” gì để mạnh dạn bước ra thị trường lao động.
Từ những trải nghiệm của mình, anh có lời khuyên gì cho SV?
Tôi có 3 lời khuyên dành cho SV để tìm được công việc tốt ngay khi ra trường. Đầu tiên, SV phải luôn biết rất rõ là mình có cái gì, đơn giản bằng cách bạn hãy viết ra 3 kỹ năng mạnh nhất của mình. Nhưng mỗi lần viết ra một kỹ năng thì phải suy nghĩ cách để chứng minh được kỹ năng đó với nhà tuyển dụng. Vì ngay cả khi bạn gặp nhà tuyển dụng và nói mình mạnh 3 kỹ năng này nhưng lại không chứng minh được thì cũng bằng không. Thứ hai, cần xác định xem là với ngành nghề mình mong muốn trong tương lai thì bản thân đang yếu vấn đề gì, và lên kế hoạch trong vòng 6 tháng có thể giải quyết triệt để vấn đề đó. Thứ ba, SV phải hiểu được giá trị của mạng lưới kết nối. Vì không ai dạy bạn tốt bằng chính những người đang làm trong nghề đó, cho nên hãy tranh thủ để làm sao kết nối trực tiếp với những người đang làm trong ngành nghề mà mình muốn theo đuổi.
Khởi nghiệp không phải là cách để thoát thất nghiệp
Theo anh, vì sao nhiều bạn chọn học ngành “hot” nhưng ra trường vẫn không tìm được việc làm?
Vì những SV đó thiếu hụt rất nhiều trải nghiệm thực tiễn. Nhiều người nghĩ rằng mình chỉ cần chọn học ngành “hot” rồi học tốt là đủ, nhưng không phải vậy, khoảng cách từ thực tiễn và ghế nhà trường rất là lớn.
Nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn không đáp ứng được tiếng Anh, trong khi rất nhiều doanh nghiệp lớn về mảng công nghệ hay logistics đều cho rằng họ thiếu rất nhiều nguồn lực nhân sự có khả năng dùng tốt tiếng Anh để làm việc.
Nhà trường chỉ dạy kiến thức và những kỹ năng cứng liên quan trực tiếp đến công việc mà rất ít khi dạy đến kỹ năng mềm. Những việc rất đơn giản như trình bày email như thế nào, viết báo cáo ra sao… nhưng nhiều SV vẫn không biết, nên dù có tốt nghiệp ngành “hot” hay trường tốt thì cũng chưa chắc gì tìm được việc làm.
Nhiều bạn trẻ ra trường chọn đi theo con đường khởi nghiệp. Và họ cho rằng đây cũng là một cách, một hướng đi để thoát thất nghiệp. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi luôn khuyên các bạn trẻ chỉ khởi nghiệp khi thật sự hội tụ đủ hai yếu tố. Thứ nhất, bạn phải có một giấc mơ, đam mê hoài bão đủ lớn. Lớn ở đây có nghĩa là bạn đã nhìn thấy được vấn đề của thị trường, cảm nhận được nỗi đau của người tiêu dùng và phần nào đấy nhìn thấy được các giải pháp.
Thứ hai, bạn phải tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức cần thiết về mảng mà bạn sẽ làm. Ít nhất cũng cần 2 hoặc 3 năm để chiêm nghiệm, để làm và học từ những thất bại của người khác, xem cách mà thị trường đang vận hành như thế nào, cách mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực bạn định khởi nghiệp họ đang cạnh tranh với nhau ra sao. Lúc đó bạn mới đủ kiến thức và kỹ năng để sẵn sàng khởi nghiệp.
Với hai yếu tố này thì không dành cho những bạn tìm đến khởi nghiệp để tránh thất nghiệp. Nếu bạn nhìn thuần túy khởi nghiệp là để tránh thất nghiệp thì mình có thể khẳng định rằng 99,99% là bạn sẽ thất bại.
Bình luận (0)