Dễ dãi chép tranh từ... ảnh

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
21/08/2020 05:57 GMT+7

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết những năm gần đây hiện tượng họa sĩ không vẽ ký họa mà chụp ảnh sau đó mang về đồ lại thành tranh khá phổ biến.

In lên toan rồi vẽ màu

Khi nhiếp ảnh gia Lê Bích nhìn thấy bức sơn mài vẽ hai đứa trẻ miền sơn cước trên mạng, ông sửng sốt vô cùng. “Nó giống hệt với một bức ảnh tôi đã chụp. Họa sĩ lấy ảnh của tôi và chép lại y hệt thành tranh. Thật sự ngạc nhiên với sự dễ dãi này”, nhiếp ảnh gia Lê Bích tâm sự. Hai tác phẩm giống nhau hoàn toàn về bố cục, tông màu, các chi tiết; điều duy nhất khác là về chất liệu.

Họa sĩ mà không tạo được dấu ấn ngôn ngữ riêng biệt của mình là rất đáng buồn

Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam 

Câu chuyện đạo ảnh của Lê Bích thành tranh làm nhớ lại một vụ việc nổi tiếng hồi năm 2005. Khi đó, Cục Văn hóa Thông tin cơ sở (Bộ VH-TT-DL) tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 70 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Giải nhất được trao cho tác giả Nguyễn Trung Kiên với tác phẩm Đảng là cuộc sống của tôi. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia Trần Thế Long (Nam Định) đã có đơn kiến nghị cho rằng tác phẩm này đạo bức ảnh Nụ hôn của gió do anh chụp. Trong khi đó bức ảnh Nụ hôn của gió đoạt huy chương vàng tại Áo, có mặt tại nhiều triển lãm ở Singapore, Hồng Kông, Pháp, Nhật Bản... Giải thưởng của Nguyễn Trung Kiên sau đó bị thu hồi.
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết những năm gần đây, hiện tượng họa sĩ chụp ảnh rồi sau đó mang về đồ lại thành tranh khá phổ biến. “Dùng những bức ảnh đó xử lý luôn trên tác phẩm sẽ làm hỏng đi ấn tượng trực tiếp của họa sĩ. Những gì ghi trực tiếp vẫn có tình cảm riêng. Có cả nghệ sĩ dùng công nghệ in lên toan, sau đó gại màu lên phủ còn tồi tệ nữa. Họa sĩ mà không tạo được dấu ấn ngôn ngữ riêng biệt của mình là rất đáng buồn”, ông Đoàn nói.

Thị trường và sáng tạo

Nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết ông cũng đã tìm hiểu và thấy nhiều tác phẩm nhiếp ảnh được vẽ lại trên sơn mài. Thậm chí, có nhiều người cùng làm việc đó. “Thị trường chấp nhận điều này và nó kiểu như một thứ trào lưu. Nó có thị trường, có người mua, vì thế người ta làm và bán”, ông Bích nói.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết ông không đánh giá các tác phẩm kiểu đạo ảnh thành tranh này xấu hay đẹp. “Nó là phạm trù phê bình văn hóa chứ không còn là phê bình nghệ thuật nữa. Nó có phải nghệ thuật đâu mà bàn. Nếu nó là một bức tranh không đẹp lắm thì còn bàn là bố cục thế này, nét vẽ thế kia nhưng nó vẫn là tranh. Còn đây nó không xứng đáng gọi là tranh”, ông Cương nói.
Ông Cương phân tích: “Ngày trước, ông cha mình chỉ truyền thần ảnh bằng bột than như ông Bảo Sinh, ông Bảo Nguyên ở Hàng Ngang vẫn làm. Còn bây giờ, ở phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội) có hẳn dịch vụ mang ảnh ra vẽ lại trên toan và thêm màu vào, có khi thêm cả hoa lá. Thì nó cũng kiểu như đạo ảnh thành tranh và tôi gọi mỉa mai nó là truyền thần màu. Nó làm sao sánh được với truyền thần vẽ lại từ ảnh của các cụ xưa. Tôi đã làm triển lãm tranh truyền thần Việt Nam rồi nên tôi biết giá trị của truyền thần”.
“Có nhiều người vẽ bằng cách đi chụp ảnh hồ Hoàn Kiếm chẳng hạn, rồi in ra, tô lại thành tranh sơn dầu. Có người còn lấy tranh người khác đi chép, rõ ràng là ăn cắp. Chưa kể, mỗi loại hình nghệ thuật sống được là do đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật của nó”, ông Cương nói thêm.
Trong khi đó, ông Lương Xuân Đoàn cho biết ngay cả khi chấm các giải thưởng mỹ thuật trong nước, các tác phẩm kiểu như thế vẫn len lỏi. “Tất nhiên, mình không bao giờ chấm giải cho những tác phẩm như vậy cả. Hội đồng nghệ thuật phải có con mắt tinh đời để biết phân biệt cái gì vẽ từ ảnh. Đã đành là nguyên tác của ông, mắt nhìn của ông bấm máy, nhưng đời sống nội tâm của cá nhân phải hiện lên trên lao động vẽ thì tác phẩm mới càng sâu sắc hơn. Còn nếu không, nó không mang lại giá trị mới cho mỹ thuật đương đại. Nhưng thực sự nhiều nghệ sĩ liều lắm, họ làm miễn là có tranh nhanh hơn”, ông Đoàn nói.
Cũng theo ông Đoàn, may mắn là kiểu vẽ đạo ảnh này không khó nhận ra. “Nó càng chi tiết bao nhiêu lại càng phải nghi vấn bấy nhiêu. Cái lá bé tí teo thì làm gì mà ngồi tỉa được. Vẽ hoa cỏ thiên nhiên vẫn có cái riêng của nghệ sĩ. Hay các bức họa đều có bố cục riêng. Đấy là cái mỗi nghệ sĩ phải tự bảo trọng danh dự của mình thôi”, ông Đoàn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.