Dè dặt mở cửa

17/09/2021 06:06 GMT+7

TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành thí điểm mở cửa, nới lỏng một số hoạt động, loại hình kinh doanh … với những bước đi thận trọng, dè dặt.

Hàng quán vẫn đóng cửa im lìm

Hôm qua (16.9), ngày đầu thí điểm mở cửa nhiều loại hình kinh doanh trên toàn TP.HCM, lưu lượng phương tiện trên đường tại TP đông hơn ngày thường…
Là một trong 3 địa phương được nới lỏng, các tuyến đường như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương… thuộc Q.7 sôi động hẳn lên, dù bên trong các hẻm nhánh, các đường dẫn vào khu dân cư vẫn bị khóa chặt, lực lượng chức năng chốt chặn kiểm tra giấy đi đường. Được sự hỗ trợ công nghệ của Sở TT-TT, Q.7 thử nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin để cấp phép cho doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh hoạt động an toàn theo quy trình 8 bước.
Trước mắt, 100 hộ kinh doanh đường phố (mỗi phường 10 hộ kinh doanh) với quy mô tương đối lớn, an toàn, có cam kết đồng ý kinh doanh lại và 50 DN (mỗi phường 5 DN) tham gia thử nghiệm. Các cơ sở đủ kiều kiện được cấp mã QR in trên bảng “DN xanh” hoặc “hộ kinh doanh xanh”.

Shipper tất bật ngày đầu chạy liên quận: Đơn tăng vọt, xếp hàng đợi quán giao

TP.HCM: Hướng dẫn cấp thẻ xanh Covid cho F0 không có giấy chứng nhận cách ly

Ngày 16.9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết hiện TP.HCM đang dự thảo thí điểm áp dụng thẻ xanh Covid-19. Một trong các điều kiện để có thẻ xanh là có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc chứng nhận nhiễm Covid-19 (F0) đã khỏi bệnh. Để có chứng nhận nhiễm Covid-19 và đã khỏi bệnh, phải được xác nhận bằng một trong các loại giấy chứng nhận sau: giấy xuất viện; giấy xác nhận hoàn thành cách ly của Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn. Ngoài ra, đối với các F0 tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà mà không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly thì cần có giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc của các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà do các trường đại học y khoa, tổ chức thiện nguyện (ATM ô xy, các tình nguyện viên là các BS nghỉ hưu...) đảm trách. Các trường hợp không thể xác nhận đã từng mắc Covid-19 thì cần phải tiêm vắc xin. (Duy Tính)
Hôm qua cũng là ngày đầu tiên TP.HCM bổ sung thêm nhiều lĩnh vực được hoạt động và nới rộng thời gian mở cửa từ 6 - 21 giờ, cùng với việc cho shipper chạy liên quận. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến đường khu vực nội đô như: Q.1, Q.3, Q.10… phần lớn hàng quán vẫn đóng cửa im lìm.
Bà Phạm Thị Thúy Hằng, Phó chủ tịch UBND Q.3, cho biết một trong những nguyên nhân khiến các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn chưa mở cửa nhiều là vì khó đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”, loại hình DN chưa được hoạt động và nhiều điểm ăn uống không đăng ký hộ kinh doanh. Sau khi TP.HCM bổ sung 5 nhóm ngành nghề được hoạt động từ 16.9 thì Q.3 đã hướng dẫn các DN, nếu đủ điều kiện thì sẽ gắn bảng “DN kinh doanh an toàn”. Điều kiện là hoạt động “3 tại chỗ”, nhân viên tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, phải test nhanh Covid-19 định kỳ, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực hoạt động.
Giấy đi đường là một trong những điểm nghẽn khiến số lượng DN trên địa bàn Q.3 hoạt động còn khiêm tốn. Bởi dù có hàng ngàn DN nhưng kể từ khi TP.HCM áp dụng kiểm soát lưu thông bằng giấy đi đường (từ ngày 23.8) thì Q.3 chỉ được phân bổ 358 giấy đi đường. Với số lượng ít ỏi này, mỗi DN chỉ được cấp 1 giấy đi đường.
Bà Hằng cho biết UBND Q.3 đã giao công an quận đề xuất Công an TP.HCM tháo gỡ, cấp bổ sung giấy đi đường để tạo điều kiện cho DN hoạt động trở lại; ít nhất mỗi DN có một giấy đi đường để linh hoạt giải quyết công chuyện bên ngoài. Trước mắt, các DN cần linh động trong phương án bán hàng, nếu chưa có giấy đi đường thì liên kết với các ứng dụng đặt và giao hàng online.

TP.HCM còn hơn 500.000 người chờ tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19

Google Maps cũng “bó tay”

Liên quan đến giấy đi đường, tại buổi họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 chiều 16.9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết Giám đốc Công an TP đã có văn bản giao công an cấp huyện, cấp xã phối hợp thẩm định điều kiện đăng ký hoạt động và cấp giấy đi đường cho người lao động tại DN, hộ kinh doanh các ngành nghề được hoạt động. Ông Hà thông tin hiện khoảng 2/3 tổng số quận, huyện chưa cấp hết giấy đi đường trước ngày 15.9 nên có thể sử dụng giấy này để cấp cho các trường hợp được ra đường theo nhu cầu của địa phương; đối với các địa phương đã cấp hết thì đề xuất phân bổ thêm.
Đánh giá ngày đầu cho shipper chạy liên quận, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng lực lượng này gặp khó khăn do chưa quen đường sá trong tình hình mới vì việc tìm kiếm lộ trình qua ứng dụng Google Maps không còn chính xác do địa phương lập chốt, rào chắn. Sở Công thương đang tiếp tục xem xét, ghi nhận để có đánh giá sâu sát hơn.

Lo người từ tỉnh khác chưa tiêm vắc xin đến TP.HCM

Về vấn đề phòng chống dịch bệnh trong thời gian thí điểm nới lỏng một số hoạt động một vài khu vực, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho rằng TP.HCM nên tập trung tiêm ngừa đến cuối tháng để đảm bảo độ bao phủ vắc xin, tạo miễn dịch tối đa. Số người chần chừ, số người sợ tiêm, đặc biệt là người lớn tuổi, thì phải tiếp cận tuyên truyền để tiêm sớm. BS Khanh cũng bày tỏ hiện chỉ lo người từ tỉnh khác vào TP khi TP mở cửa trong khi những người này chưa được tiêm ngừa vắc xin khiến nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Theo BS Khanh, cần dự trữ vắc xin để nếu công nhân trở lại TP.HCM làm việc thì có vắc xin tiêm cho họ. (D.Tính)
Theo ông Phương, tổng số shipper của 33 DN trên địa bàn là trên 160.000 người nhưng hiện nay mới chỉ hơn 20.000 shipper tham gia giao hàng. Sắp tới, số lượng đơn hàng sẽ tăng lên khi nhiều loại hình được mở cửa. Qua thống kê của Sở Công thương TP, có hơn 30.000 shipper đã tiêm vắc xin đủ thời gian để được hoạt động trở lại.

Covid-19 sáng 17.9: Cả nước 651.726 ca nhiễm, 423.551 ca khỏi | TP.HCM lên danh sách hỗ trợ lần 3

Hà Nội: Tháo dỡ hàng chục chốt kiểm soát

Sau gần 55 ngày giãn cách triệt để, từ 12 giờ hôm qua, Hà Nội đã bắt đầu nới lỏng một số hoạt động tại 19 quận, huyện “bình thường mới”. Thế nhưng, các hàng quán mở lại khá dè dặt. Ngoài việc thăm dò thị trường còn do nhiều chủ cửa hàng chưa rõ các hướng dẫn của TP, cũng như khó khăn trong việc giao đồ ăn.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết để tạo thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh và người dân, Sở đã đề xuất cho phép các ứng dụng công nghệ như Grab, Be, Gojek… hoạt động giao đồ ăn có điều kiện hoạt động trở lại.
“Quan điểm của Sở là các shipper hoạt động có điều kiện không phải đăng ký với Sở, không tạo cơ chế xin - cho. Tuy nhiên, gắn trách nhiệm của các đơn vị quản lý shipper và các đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối, đảm bảo shipper đủ điều kiện hoạt động và vùng được phép hoạt động”, ông Viện nói và cho biết shipper phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và xét nghiệm âm tính 3 ngày/lần. Việc cho phép shipper giao hàng đồ ăn giúp người dân không phải ra đường nhiều, đồng thời thúc đẩy các dịch vụ, đảm bảo thu nhập cho người lao động.
Còn đại diện Phòng CSGT (Công an TP.Hà Nội) cho biết cơ quan này chịu trách nhiệm tổ chức, vận hành kiểm soát tại 23 chốt đặt tại các cửa ngõ ra vào TP.Hà Nội và 21 chốt loại 1 cấp TP, đặt tại các vị trí giáp vùng cam và vùng đỏ, có mật độ giao thông cao để kiểm soát người đi lại, phòng chống dịch Covid-19. Chiều qua, ngoài 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ vẫn được duy trì, kiểm soát chặt người ra vào, 39 chốt còn lại đã được tháo dỡ. Trong đó có 21 chốt loại 1 (phân vùng) và 18 chốt phân vùng loại 2, 3 do cấp quận huyện, xã phường đảm nhiệm đang được tháo dỡ, phục vụ tình hình mới.

Đà Nẵng: cần sớm để cho lao động phổ thông ở vùng xanh trở lại làm việc

Hôm qua (16.9), trong ngày đầu các hàng quán thuộc các vùng xanh tại TP.Đà Nẵng được mở bán cho khách mang về, các chủ quán đã chấp hành nghiêm túc các quy định trong phòng chống dịch Covid-19. Tại P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), do tâm lý còn e ngại việc vắng khách khi vừa được nới lỏng nên số hàng quán mở bán chưa nhiều, chủ yếu là quán bán đồ ăn sáng như bún, mì… Các quán đều giăng dây ngăn cách giữa khu vực bán với khách hàng. Trước mỗi quán đều kê bàn để đặt đồ ăn giao cho khách; có bình sát khuẩn…

Đà Nẵng cho quán ăn bán hàng mang về: người dân dậy từ sáng sớm xếp hàng mua

Hàng quán ở vùng xanh tại Đà Nẵng mở bán hàng mang về

ẢNH: HOÀNG SƠN

Liên quan đến công tác cấp giấy đi đường tại địa phương này, Sở TT-TT TP.Đà Nẵng cho biết khi có quyết định nới giãn cách (từ hôm 14.9) với việc gia tăng khá lớn nhân sự được tham gia làm việc tại các công ty, cơ sở sản xuất, cơ quan công sở…, Sở đã có hướng dẫn về việc cấp giấy đi đường cho các đơn vị, địa phương có thẩm quyền. Đến hôm qua, Đà Nẵng đã cấp thêm khoảng 40.000 giấy đi đường, nâng tổng số giấy đi đường được cấp, phát hành lên hơn 190.000 giấy. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, sau hơn 10 ngày triển khai giám sát người dân ra ngoài thông qua giấy đi đường QR Code, Đà Nẵng không còn tổ chức các chốt kiểm soát trên đường mà thay vào đó là giám sát ngay từ khi người dân ra khỏi khu dân cư.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào tối 16.9, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho hay hôm qua, sau khi nới lỏng, các vùng xanh đang từng bước phục hồi các hoạt động, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến, đặc biệt là tầng lớp lao động phổ thông, đề nghị được cho phép trở lại với công việc mưu sinh. Ông Triết đề nghị các địa phương không máy móc khi thực hiện nới lỏng ở vùng xanh. Cụ thể, hiện vùng xanh đã cho hàng loạt dịch vụ mở cửa khiến nhu cầu về người phục vụ cũng tăng theo. Tuy nhiên, hiện còn tình trạng máy móc trong cấp giấy đi đường cho những dịch vụ đã được mở cửa. “Số lao động phổ thông phục vụ cho những hoạt động này cũng khá nhiều. Đề nghị sớm có nghiên cứu, nhất là địa bàn vùng xanh thì sớm đưa lại trạng thái bình thường, sớm tính toán để người dân trở lại làm việc…”, ông Triết nói. Đồng quan điểm, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã yêu cầu các quận huyện, xã phường trong thẩm quyền của mình phải xử lý nhanh những phản ánh của người dân về những vướng mắc trong hoạt động của vùng xanh.
Hoàng Sơn

Bình Thuận: siết ngoài, nới trong

Cũng trong hôm qua, sau 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TX.La Gi (Bình Thuận) được áp dụng Chỉ thị 15. Theo ghi nhận của Thanh Niên, các chốt kiểm dịch trong thị xã vẫn kiểm soát nghiêm ngặt người qua lại. Tất cả người dân muốn lưu thông phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19.

TP.Phan Thiết đang chủ trương “siết ngoài, nới trong”

ẢNH: QUẾ HÀ

Chỉ có các cửa hàng ăn uống có giấy phép kinh doanh mới được mở cửa để bán mang về. Do vậy, các quầy hàng bán mang về trên địa bàn thị xã rất ít. Chợ truyền thống chưa được mở bán, nhưng siêu thị đã mở cửa. Tuy nhiên, lượng người đến siêu thị vẫn thưa vắng. Chủ tịch UBND TX.La Gi Phạm Trọng Nhân cho biết dù nới lỏng nhưng thị xã vẫn kiểm soát chặt các chốt, vẫn siết người từ bên ngoài khi vào thị xã và ngược lại. “Dù nới lỏng, nhưng phải có lộ trình, làm chặt chẽ, không nóng vội vì tình hình dịch bệnh tại thị xã vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp”, ông Nhân cho biết.
Trong khi đó, tại TP.Phan Thiết lượng người dân lưu thông trên các tuyến phố đông hơn những ngày trước khá nhiều. TP cho tất cả các trạm y tế được test và cấp giấy kết quả cho người dân. Đối với người xét nghiệm cộng đồng, nếu có nhu cầu, trạm y tế phường sẽ cấp giấy chứng nhận kết quả. Các cửa hàng ăn uống bán mang về đã được hoạt động nhưng còn thưa thớt. Các chợ truyền thống đã được hoạt động buôn bán nhưng trong phạm vi kiểm soát. Các chợ cá cũng đã mở trở lại nhưng chỉ bán trong địa phương. Chợ cá Mũi Né, Hàm Tiến đã có người mua bán vì các ghe nhỏ đã được cho ra biển đánh bắt. TP.Phan Thiết chủ trương “siết ngoài, nới trong”. Tất cả những người bên ngoài vào TP phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 7 ngày mới được qua chốt kiểm dịch. Nhưng người dân bên trong TP thì được lưu thông tự do, trừ các khu còn phong tỏa.
Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.