Thậm chí, rất nhiều chị em mắc căn bệnh mãn tính "cả thèm, chóng chán". Môn thể thao nào được lăng xê là lập tức có mặt nhưng chỉ một thời gian sau thì có rất nhiều lý do hoặc chơi môn khác hoặc bỏ dở giữa chừng.
Khác với nhiều hoạt động khác, thể thao không nên là để… giải trí. Để chơi một môn nào đó phải có mục đích. Hoặc là sẽ nhằm mục đích cải thiện sức khỏe hoặc sẽ để giữ dáng và thậm chí là cả để… phát triển mối quan hệ (golf là một ví dụ - với nhiều người).
Một số người thường có thể biết rõ mình thích và phù hợp với bộ môn nào nhưng với người khác thì đó là một quyết định khó khăn.
Để có thể "giải quyết" vấn đề này, hãy chỉ đơn giản dựa vào 3 yếu tố lớn (rồi mới đến các chi tiết nhỏ) khi tập thể thao. Đó là: Phải được vui vẻ khi chơi, có thời gian phù hợp để duy trì việc tập, có kết quả sau khi tập.
Chơi thể thao phải nên và cần được vui vẻ. Nếu bạn yêu thích một môn nào đó nhưng không chắc liệu mình có thể tham gia hay không thì hãy thử. Bạn sẽ không biết trừ khi bạn thử.
Để có thể vui vẻ khi tập thể thao chỉ cần xác định bạn muốn gì? Nếu muốn giao lưu, có gắn kết cộng đồng, gặp gỡ hội nhóm thường xuyên thì nên chọn những môn được tổ chức theo lớp, có tính tập thể và hội nhóm cao như: Yoga, aerobic, các môn nhảy, golf…
Thực sự có một số chị em rất có nhu cầu "chia sẻ hình ảnh" và nhận "dopping" tinh thần là các lời khen, tim, like... Không sao cả vì đó cũng là một dạng của niềm vui.
Ngược lại, những môn rất dễ có được hình ảnh đẹp, gợi cảm, sexy như bơi, yoga, Pilates… với các động tác đẹp, dễ khoe dáng, khoe đồ tập thời trang nên là lựa chọn của chị em.
Nói chung, chơi thể thao là phải tìm được niềm cảm hứng, phải vui. Vui thì mới có thể duy trì được lâu, đều đặn. Hãy xác định rõ thứ sẽ làm chị em vui (hay còn gọi là mục tiêu "chân ái" trong thể thao) rồi hãy chọn môn phù hợp.
Nếu không vui thì áp lực (gánh nặng) tâm lý (phải đối diện với điều mình không thích hay điều miễn cưỡng) sẽ khiến khó đạt kết quả tốt.
Luyện tập vì cải thiện sức khỏe thì ăn, ngủ và chứng bệnh (nếu có, ví dụ như nhức mỏi cổ, vai, gáy, đau lưng…) phải có chuyển biến, tâm lý, tinh thần phải có khởi sắc… Nếu hành trình luyện tập không đều đặn, duy trì lâu dài thì sẽ không có kết quả tốt, sớm bỏ cuộc.
Để luyện tập cần có một quỹ thời gian nhất định. Nếu chị em sở hữu một công việc tự do, có thể chủ động thời gian thì việc sắp xếp lịch trình đều đặn là điều dễ dàng. Nhưng với phần đa chị em thì không.
Con cái, gia đình, công việc… sẽ khiến quỹ thời gian cạn kiệt. Chính vì vậy, phải lựa chọn các điểm tập thể thao (nếu có) ở gần chị em nhất (gần cơ quan hoặc gần nhà thậm chí là gần nơi đưa đón con đi học , gần nhà bố mẹ, họ hàng để tiện bề kết hợp). Việc phải di chuyển xa, tắc đường… sẽ làm trỗi dậy "cơn ngại", "bệnh lười" và nhanh chóng phá hủy kế hoạch tập tành dày công trước đó.
Có thể lựa chọn những môn có mô tả video, trực tuyến… để tự tập ở nhà hoặc ôn bài. Sự "bám" bài, bám lớp và duy trì thói quen là yếu tố lớn làm nên hiệu quả tốt. Đồng thời giúp chị em dễ bề bố trí, linh hoạt và làm chủ hoàn toàn với hoạt động thể thao.
Nguồn: The New York Time, kidshealth.org, Women Helth's, Pilatesology