Để hoạt động lễ hội tết trong nhà trường có ý nghĩa thiết thực

15/01/2023 06:15 GMT+7

Tết Nguyên đán là khoảng thời gian mọi người cùng được sống trong bầu không khí của truyền thống và niềm vui. Những nét đẹp xưa, tinh túy nhất của văn hóa Việt sẽ được tái hiện vào những ngày tết.

Trước kỳ nghỉ tết, tâm lý học sinh rất náo nức vì vừa hoàn thành đợt kiểm tra học kỳ 1. Đây sẽ là khoảng thời gian lý tưởng, phù hợp để nhà trường giáo dục cho học sinh về truyền thống tuyệt vời này của dân tộc thông qua những buổi ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ, trải nghiệm…

Giữ gìn nét đẹp văn hóa

Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh gói bánh chưng, bánh tét như một cách để giữ gìn, lưu truyền văn hóa dân tộc với tích Lang Liêu. Đây là hoạt động vô cùng đáng quý để học trò biết được cách gói, cách nấu loại bánh truyền thống của dân tộc, đồng thời thấy yêu quý hơn cách ông bà, tổ tiên mình sống gần gũi với tự nhiên, tận dụng các loại lá để gói bánh, gói xôi, vừa đẹp vừa ngon, mà lại có ý nghĩa về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, nhiều trường còn tổ chức học sinh thi làm mứt, viết thư pháp… góp phần hướng cho các em có cái nhìn trân trọng hơn với giá trị văn hóa mà cha ông để lại.

Học sinh tham gia một tiết học trải nghiệm văn hóa ngày tết

BẢO CHÂU

Phù hợp hơi thở thời đại

Tuy nhiên, để những hoạt động trên thực sự đem lại ý nghĩa về mặt giáo dục, cần hơn nữa sự chỉnh chu, cẩn thận của người lớn, những nhà giáo dục, để tránh việc chạy theo hình thức, phong trào, có khi phản giáo dục.

Có những nơi thi gói bánh chưng, bánh tét rồi đem nấu để làm công tác xã hội. Ý nghĩa và mục đích rất tốt nhưng trong quá trình thi, học trò, thầy cô chỉ mong gói đẹp bên ngoài, trang trí hoành tráng để có giải thưởng mà không để ý đến chất lượng, cách gói. Thế nên, sau khi nấu, một phần lớn bánh đã bị hư, phải đổ bỏ, gây lãng phí rất lớn về vật chất và làm mất đi ý nghĩa ban đầu.

Bên cạnh đó, việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ về những phong tục đẹp của dân tộc như lì xì, hái lộc đầu năm cũng bị người lớn bỏ quên mất ý nghĩa chân chính của nó, khiến cho những việc này trở nên phản cảm khi trẻ em chỉ chăm chăm số tiền bên trong phong bì lì xì. Hay thanh thiếu niên, có khi cả trung niên vô tư hái lá, bứt ngọn, chặt cành những cây xanh ngoài đường, trong đền chùa để lấy may.

Những điều này chỉ được thay đổi khi học sinh được giáo dục để có những nhận thức đầy đủ hơn và văn minh hơn. Do đó, khoảng thời gian trước khi nghỉ tết chính là “thời điểm vàng” cho việc gieo mầm văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ngày tết của dân tộc là những ngày linh thiêng khi đất trời chuyển giao, khi tất cả thế hệ trong nhà cùng sum họp đón năm mới thì việc giáo dục thế hệ trẻ về cội nguồn, truyền thống dân tộc càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Để thực hiện có hiệu quả, nhà trường cần có sự đầu tư, giáo dục kỹ lưỡng thông qua các hoạt động thú vị, bổ ích và thiết thực. Có như thế, trong kỳ nghỉ tết, học trò không phải chỉ biết nằm dài, bấm điện thoại, hoặc miễn cưỡng đi dọn nhà cửa theo yêu cầu của cha mẹ, thậm chí phải hoàn thành cả “núi” bài tập mà nhiều thầy cô tranh thủ giao. Hãy để chính các em cảm nhận được niềm vui, sự ấm áp và tận hưởng trọn vẹn hết ý nghĩa tuyệt vời những ngày tết dân tộc mang đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.