Đạo diễn Phan Đăng Di đánh giá khá tích cực về việc kiểm duyệt phim trong thời gian gần đây. Theo ông, việc duyệt phim gần đây đã có các dấu hiệu thoáng hơn.
“Có lẽ là những góp ý của người làm phim cũng đã được lắng nghe một phần nào. Bằng các phim ra rạp và cách áp độ tuổi thì có thể thấy là việc duyệt phim có thông thoáng hơn. Vừa rồi tôi có làm việc với dự án CJ short film thì các dự án đó cả 5 phim duyệt đều thông qua cả. Còn trước đó, các phim đều gặp vấn đề. Các phim khác cũng thấy có phản hồi là độ mở tốt hơn”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Những tồn tại trong công tác kiểm duyệt phim gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành điện ảnh |
LÊ NAM |
Phim nội bị duyệt “khó” hơn phim ngoại
Mặc dù vậy, đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho rằng vẫn rất cần cân nhắc các quy định về kiểm duyệt. Theo ông, các quy định cần làm sao để hướng tới các tiêu chí cụ thể hơn để tránh việc viện dẫn quy định tùy tiện. Người chịu trách nhiệm cao nhất - Cục trưởng Cục Điện ảnh - cũng cần là người tư duy cởi mở với điện ảnh hơn.
Trong khi đó, một người làm truyền thông phim lâu năm chia sẻ vẫn đang có tình trạng phim nội bị duyệt khó hơn phim ngoại. “Đó là một luật ngầm ai cũng biết mà rất khó chứng minh. Nhưng người làm phim trong nước thì vẫn ở trong nước và nếu còn làm phim thì cũng sẽ khó mà phản đối cách duyệt. Trong khi đó, phim nước ngoài thì không kẹt kiểu vậy”, người này cho biết.
Có thể thấy, nếu có bộ phim nào vi phạm các quan điểm của Đảng và Nhà nước về an ninh quốc gia thì đó chỉ có thể là… phim ngoại. Tháng 3.2018, bộ phim Điệp vụ biển đỏ của Trung Quốc ra rạp tại VN. Đây là bộ phim mang thông điệp mà VN không thể chấp nhận là Biển Đông của Trung Quốc. Tháng 10.2019, phim Everest người tuyết bé nhỏ với hình ảnh đường lưỡi bò cũng lại được cấp phép ra rạp tại VN. Trước khi bị phát hiện vi phạm tại các cụm rạp, trailer của các phim trên cũng đã được để trên mạng rất lâu để quảng bá.
Khán giả xếp hàng mua vé xem phim tại một rạp chiếu ở TP.HCM tháng 6.2022 |
ĐỖ TUẤN |
Cần tiêu chí cụ thể và rõ ràng
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, một trong những lý do kiểm duyệt phim có vấn đề là do nhiều người vẫn chưa nghĩ đến việc phải thúc đẩy phát triển phim như một ngành công nghiệp. “Cái này tôi nói nhiều rồi, đó là do mình chưa nhìn thấy sức mạnh của điện ảnh”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.
Cũng theo ông Di, việc có nhiều tác phẩm điện ảnh sử dụng ngân sách nhà nước mà không hiệu quả là có thật. “Nghĩa là nhà nước tốn rất nhiều tiền cho các dự án phim mà nó không đi đến đâu và một số phiền phức khác. Nhưng nó chỉ là một khía cạnh nhỏ của nền điện ảnh thôi. Mình nhìn điện ảnh như một cơ hội thì có nhiều thứ khác. Bản thân nền điện ảnh này đã tự cường và nó tự lớn được. Đây cũng là cơ hội để có thể làm cho mọi thứ tốt lên”, ông Di phân tích.
Điểm tiến bộ về hội đồng duyệt phim
Trong quá trình soạn thảo luật Điện ảnh sửa đổi, quy định liên quan hội đồng duyệt phim cũng có thay đổi. Mặc dù vậy, theo ông Phạm Văn Hùng, Ban Pháp chế - VCCI, thay đổi này lại theo hướng thiếu cụ thể hơn.
Tại bản dự thảo hồi tháng 2.2022, điều 31 khoản 2 có quy định: “Thành phần của hội đồng thẩm định và phân loại phim gồm nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan; trong đó có ít nhất 2/3 là nhà chuyên môn điện ảnh”. Tuy nhiên, tới phiên bản sau đó, yêu cầu có ít nhất 2/3 là nhà chuyên môn điện ảnh lại bị loại bỏ khỏi dự thảo. Trong khi đó, theo ông Hùng, đấy mới là điểm tiến bộ.
Ông cũng lưu ý về việc cần có những quy định cơ bản về hội đồng duyệt cũng như xây dựng các quy tắc, bộ tiêu chí của hội đồng duyệt. “Hội đồng duyệt có lẽ cần một quy chế mới rõ ràng và chi tiết hơn về cách làm việc. Như thế để tránh hiện tượng như vừa qua là thành viên hội đồng có thể tiết lộ thông tin của phim khi phim chưa ra rạp (phim Người lắng nghe: lời thì thầm của đạo diễn Khoa Nguyễn - NV). Đồng thời, cũng cần xây dựng bộ quy tắc cụ thể để các thành viên hội đồng duyệt đỡ viện dẫn lung tung. Trên cơ sở đó để các nhà làm phim và người duyệt có căn cứ để làm phim, duyệt phim”, ông Di nói.
Độc quyền cấp phép gây rủi ro
Ông Đậu Anh Tuấn, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), đánh giá mặc dù tại điều 27 của dự thảo đã có phân quyền cho UBND cấp tỉnh cấp phép phân loại phim, nhưng lại chỉ giới hạn trong biên giới hành chính của địa phương. Vì vậy, thẩm quyền chủ yếu vẫn thuộc về cơ quan nhà nước ở T.Ư (Bộ VH-TT-DL) thực hiện.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng cho biết theo phản ánh của doanh nghiệp, việc thẩm quyền chủ yếu thuộc về Bộ VH-TT-DL này tạo ra sự độc quyền trong cấp phép, dẫn đến phiền phức, mất nhiều thời gian và gây rủi ro cho doanh nghiệp.
“Việc độc quyền cấp phép là không phù hợp để thúc đẩy phát triển dưới góc độ ngành điện ảnh là một ngành kinh tế. Hơn nữa, hoạt động phân loại phim, thực chất là xem xét nội dung phim phù hợp với độ tuổi của khán giả, có thể thực hiện thông qua việc xây dựng bộ tiêu chí xét duyệt rõ ràng. Nhà nước đứng ra xây dựng bộ tiêu chí và các đơn vị cấp phép căn cứ vào đó để làm căn cứ xét duyệt”, ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.
Từ đó, ông Đậu Anh Tuấn đề nghị cân nhắc chuyên nghiệp hóa việc cấp phép theo hướng chuyển từ cơ chế độc quyền nhà nước sang cơ chế cho phép nhiều đơn vị được tham gia công tác cấp phép, nhà nước đóng vai trò kiểm tra, giám sát.
Theo ông Tuấn: “Thực tế, cơ chế chuyển từ nhà nước độc quyền kiểm định hàng hóa sang cơ chế ủy quyền cho nhiều đơn vị khác có quyền kiểm định đã được thực hiện thành công ở rất nhiều lĩnh vực quan trọng như dược phẩm, an toàn thực phẩm (liên quan đến sức khỏe), chất lượng sản phẩm, hàng hóa... Trong lĩnh vực văn hóa, việc cho phép nhiều đơn vị tham gia kiểm duyệt nội dung cũng đã được thực hiện với hoạt động xuất bản (thông qua các nhà xuất bản) từ nhiều năm qua”.
Ông Tuấn đưa ra mô hình có thể cân nhắc là giao cho các cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. “Hiện nay, cả nước có khoảng 70 đài truyền hình. Các đài này đã được giao nhiệm vụ kiểm duyệt phim trên hệ thống đài mình, tức là đã có kinh nghiệm trong việc xét duyệt nội dung phim. Do vậy, có thể mở rộng năng lực của các nhà đài cho việc phân loại phim chiếu rạp”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Theo đó, cơ chế thực hiện ở đây là cơ chế hợp đồng. Các doanh nghiệp có thể lựa chọn đài truyền hình phù hợp (thời gian cung cấp dịch vụ, chi phí…) để sử dụng dịch vụ. “Cơ chế này sẽ giảm thiểu gánh nặng về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp thông qua việc cung cấp dịch vụ cạnh tranh (nhanh chóng, đơn giản về mặt thủ tục…), giải quyết vấn đề về thời gian thẩm định phim kéo dài qua các cơ quan nhà nước do các cơ quan còn nhiều công việc khác phải giải quyết”, ông Tuấn phân tích.
Từ những lý do này, VCCI đưa ra phương án đổi mới cơ chế phân loại phim cụ thể: “Giao trách nhiệm cấp giấy phép phân loại phim cho các cơ quan báo chí đã có giấy phép phát thanh - truyền hình; nhà nước chỉ thực hiện trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát qua đặt ra tiêu chí: xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim; kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp phép”.
Bình luận