Để Liên Minh Huyền Thoại có tiền thưởng lớn như Dota 2
Nếu Riot Games muốn chạy theo kiểu tổ chức giải đấu triệu đô như Valve, liệu hãng sẽ nắm quyền trực tiếp điều hành game Liên Minh Huyền Thoại tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam?
Tự động phát
Giải đấu The International 5 của Dota 2 đã cán mốc 15 triệu USD tiền thưởng, qua đó trở thành giải thể thao điện tử có giá trị lớn nhất thế giới. Không ai nói ra nhưng chắc hẳn không ít người chơi Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) sẽ cảm thấy ganh tị khi trò chơi yêu thích của họ bị qua mặt về số tiền thưởng giải đấu, mặc dù sở hữu số người chơi đông hơn gấp nhiều lần và chịu chi cũng mạnh hơn (bài viết này là minh chứng rõ ràng nhất). Vậy làm thế nào để LMHT có giải đấu với tiền thưởng khủng như Dota 2?
Valve làm được, Riot Games hoàn toàn có thể, mà còn tốt hơn
Dota 2 gầy dựng được giải đấu với số tiền thưởng kỷ lục, đó là nhờ vào cộng đồng, không phải bàn cãi. Họ yêu tựa game của mình, sẵn sàng chung tay đóng góp để những game thủ chuyên nghiệp cống hiến hết mình. Ngoài ra, hấp lực từ những phần thưởng mà Valve hứa hẹn sẽ đưa vào game tương ứng với từng mốc tiền thưởng cũng là động lực không nhỏ để các fan Dota 2 cùng nhau "đẩy top".
Cách làm của Valve quả thật quá hay. Vậy thì tại sao LMHT không làm điều tương tự? Hãng Riot Games hoàn toàn có thể làm những gì đối thủ Valve đã làm được. Đơn giản chỉ là làm theo công thức "gọi vốn cộng đồng" mà Valve nghĩ ra: fan bỏ tiền đóng góp, đổi lại họ sẽ nhận được những phần thưởng hấp dẫn. Về phần mình, nhà phát triển có thêm tiền "tút tát" cho sản phẩm của mình, có tiền trả thưởng cho các game thủ thi đấu, từ đó nâng tầm uy tín giải, nâng tầm thương hiệu game. Nói chung, tất cả các bên, từ nhà phát triển, game thủ bình thường cho đến game thủ thi đấu, tất cả đều có lợi.
Những con lính này được mặc trang phục mới cũng nhờ sự hợp sức của cộng đồng
Thực sự thì Riot Games có thiếu cách "bào tiền" game thủ không? Hoàn toàn không! Các phương cách của họ, có kể đến "Tết Congo" chắc cũng không hết. Nội việc gần đây hãng tung ra hàng loạt trang phục khiến biết bao người chơi không cầm lòng được là một minh chứng rõ ràng nhất. Trở lại vấn đề chính, trong trường hợp bắt chước Valve, cha đẻ LMHT có thể tung ra hàng loạt chiêu như: đưa ra hộp quà chứa số RP cực kỳ giá trị, cho người chơi quyên góp quyền bình chọn tướng tiếp theo sở hữu trang phục Tối Thượng, giao diện trong game (HUD), nhạc nền độc quyền cho Chung kết Thế giới, v.v. Thậm chí hấp dẫn hơn, Riot Games có thể cho phép người chơi tham gia vào quá trình tạo nên tướng mới, chẳng hạn.
Bạn thấy đấy, mới chỉ kể sơ qua, chúng ta đã thấy LMHT có hàng tá thứ để Riot Games "huy động" game thủ. Tất cả nằm ở việc hãng này có muốn áp dụng hay không mà thôi. Và nếu làm nghiêm túc, bảo đảm tiếng tăm còn sẽ vượt Dota 2 gấp bội, do lượng fan cực khủng của LMHT hiện nay.
Sau đây là một số mốc thưởng của Dota 2 mà LMHT hoàn toàn có thể thực hiện tương tự:
Trỏ chuột đặc biệt (Ảnh: Valve)
Arcana của Dota 2 tương tự như trang phục Tối Thượng trong LMHT (Ảnh: Valve)
Màn hình tải trận đấu (Ảnh: Valve)
Giao diện trong game (HUD) đặc biệt riêng cho giải (Ảnh: Valve)
Mẫu mắt đặc biệt như Riot Games vẫn thường làm (Ảnh: Valve)
Phiên bản mùa hè cho bản đồ Summoner's Rift cũng là một ý hay (Ảnh: Valve)
Nhạc nền trong game (Ảnh: Valve)
Giọng thông báo mới trong trận đấu (Ảnh: Valve)
Trang phục tối thượng mới và một tập truyện về vị tướng được chọn rõ ràng là một ý hay (Ảnh: Valve)
Quy tất cả về một mối
Để có thể huy động tốt nguồn lực từ cộng đồng, khâu quản lý là phần quan trọng nhất. Hiện tại giải đấu chính thức của Dota 2 chỉ do một mình Valve tự tổ chức và vận hành. Các máy chủ cũng do Valve quản lý và không thông qua một nhà phát hành nào khác (trừ thị trường Trung Quốc với Perfect World). Riot Games cũng đang trực tiếp vận hành hầu hết các khu vực, tuy nhiên không phải tất cả.
Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc... đều do Riot Games quản lý thông qua các chi nhánh của hãng. Tuy nhiên có những ngoại lệ: các khu vực Hong Kong, Đài Loan và Đông Nam Á. Việc này khiến công tác tổ chức giải đấu, điều hành trò chơi sẽ không được thống nhất. Khi có vấn đề phát sinh cũng sẽ mất thời gian để xử lý vì rốt cuộc người chịu mọi trách nhiệm cao nhất vẫn là Riot Games. Ví dụ đơn giản nhất là lỗi game, khi phát sinh ai sẽ là người khắc phục? Tất nhiên là Riot Games. Hack xuất hiện, ai sẽ là người đề ra biện pháp phòng chống? Rõ ràng vẫn là Riot Games. Các vấn đề về visa nhập cảnh cho game thủ trong các giải đấu LMHT, ai sẽ là người chịu trách nhiệm xử lý? Chúng ta lại xướng tên Riot Games.
Liệu văn phòng như thế này sẽ xuất hiện tại Việt Nam? (Ảnh: Riot Games)
Vì vậy, để thuận tiện trong việc bành trướng giải đấu LMHT, Riot Games có thể trực tiếp quản lý cả Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan như đang làm với các khu vực khác. Như vậy, công tác tổ chức, quản lý sẽ được quy về một mối, thuận lợi hơn cho Riot Games. Điểm lợi trước mắt chúng ta có thể thấy là các lỗi của trò chơi sẽ được khắc phục nhanh hơn, tool hack cũng sẽ được xử lý gọn lẹ hơn vì các bản vá sẽ được ra cùng một lúc chứ không phải đợi đến hơn một tuần như hiện nay.
Việc Riot Games ký thỏa thuận hợp tác phát hành với một đơn vị thứ ba, rồi sau đó lấy lại quyền phát hành và trực tiếp quản lý game, là có tiền lệ. Ở châu Âu năm 2009, Riot Games hợp tác với GOA phát hành LMHT tại khu vực này, đồng nghĩa với việc những game thủ châu Âu sẽ không thể chơi ở máy chủ Bắc Mỹ. Việc này đã vấp phải những phản hồi tiêu cực từ cộng đồng. Nên chưa được một năm thì Riot Games công bố sẽ "tự tay" phát hành cũng như vận hành LMHT ở châu Âu qua việc lập trụ sở ở Dublin, Cộng hòa Ireland.
LVL (League of Legends Vietnam League) nghe cũng kêu đó chứ (Clip: LJ League)
Ngoài ra, hãng cũng đã thành lập chi nhánh ở Đài Loan từ năm 2013, Hong Kong năm 2014. Đây là tiền đề để Riot Games đặt nền móng quản trị của mình tại khu vực Hong Kong, Đài Loan cũng như Đông Nam Á. Năm 2014, Riot Games tổ chức giải đấu LJL (League of Legends Japan League), đồng thời mở trụ sở tại Nhật Bản để đẩy mạnh LMHT ở thị trường tiềm năng này.
Vì vậy, việc hãng tiếp quản các giải đấu ở Đài Loan, Hong Kong và Đông Nam Á, không thông qua đối tác khu vực như hiện nay, là hoàn toàn có thể xảy ra.
Lời kết
Một ngày nào đó, có lẽ Việt Nam sẽ xuất hiện trong danh sách này (Ảnh: Riot Games)
Trên đây chỉ là giả thuyết trong trường hợp Riot Games muốn giải đấu Liên Minh Huyền Thoại của mình lớn mạnh, không thua kém đối thủ Dota 2. Tuy nhiên, chắc chắn hãng sẽ gặp phải những khó khăn nhất định khi quyết định nhúng tay vào trị trường Đài Loan, Hong Kong cũng như Đông Nam Á. Đó là những quy định của pháp luật, chính sách của chính phủ các nước, cũng như bối cảnh văn hóa tại đây, vốn rất khác biệt với những thị trường phương Tây. Nhưng với lợi thế về tài chính cũng như quyền lực, không có gì là không thể đối với Riot Games trong thời điểm này.
Bình luận (0)