Đề nghị làm rõ lượng xăng dầu nhập khẩu từ các đầu mối

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/10/2022 19:02 GMT+7

Bộ Công thương luôn cho rằng, tình trạng thiếu hàng chỉ là cục bộ, không phổ biến. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương rà soát lại nguồn hàng khi sản lượng nhập khẩu giảm đến 40% trong quý 3.

Petrolimex chi nhánh hết hàng?

Thông tin đến báo Thanh Niên chiều 8.10, Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh) - một trong 36 doanh nghiệp vừa có đơn cầu cứu Thủ tướng - cho biết, công ty có 6 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại địa phương. Sáng nay (8.10), nhập về được 1 xe xăng chia cho cửa hàng số 1 và số 2, nhưng bán đến chiều đã hết. Cửa hàng số 5 của doanh nghiệp đã hết xăng, cửa hàng số 6 còn khoảng 150 lít. Doanh nghiệp không lấy được thêm hàng vì nhà cung cấp là Petrolimex Trà Vinh nói không có hàng.

“Họ nói tập đoàn đã khóa sổ rồi và đã cấp đủ sản lượng cho công ty. Tuy nhiên, vấn đề là cửa hàng xăng dầu An Hữu kế bên thuộc ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, TP.Trà Vinh hết hàng, nghỉ bán cũng do hết hàng nên khách hiện dồn vào cửa hàng xăng dầu Bội Ngọc 5 đột biến khiến hết hàng từ 13 giờ chiều nay. Cửa hàng Bội Ngọc 6 thì đang bán cầm chừng vì còn chưa tới 100 lít, để dành cho khách mua bằng phiếu. Đến nay, mặt hàng xăng coi như đứt nguồn luôn, không có hàng để bán những ngày cuối tuần”, đại diện công ty này cho hay.

Chiều tan tầm vất vả vì nhiều trạm xăng ở TP.HCM thông báo hết hàng

Cửa hàng thông báo hết xăng tại TP.HCM ngày 8.10

MINH ĐĂNG

Tại TP.HCM, sáng 8.10, một loạt cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM báo hết hàng, ngưng bán. Cụ thể, nhân viên tại một số các cửa hàng xăng dầu của Comeco, Tây Nam Petro, Đại Đông Dương Oil… khu vực quận 6, quận 7, quận Bình Tân đều báo hết hàng, hay hết xăng đang chờ nhập hàng… Tối 7.10, theo ghi nhận của Thanh Niên, một số cây xăng của Saigon Petro tại TP.HCM cũng cho biết, nguồn hàng lấy bán cuối tuần không có và sang tuần mới có hàng.

Trong khi đó, giá xăng dầu nhập khẩu tham chiếu đến ngày 6.10 đã tăng trở lại. Xăng tăng khoảng 200 đồng/lít, dầu diesel tăng mạnh hơn 1.700 đồng/lít. Theo các thương nhân phân phối, giá thế giới tuần qua tăng hơn 10% khiến doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng về chậm, giảm lượng nhập về, gây tình trạng hụt hàng, đứt nguồn ngay vào ngày cuối tuần. Đặc biệt, đầu mối lớn cũng khóa sổ với các công ty đang mua hàng lâu nay của họ. Một số thương nhân phân phối dự báo giá tại kỳ điều chỉnh tới (11.10) với dầu diesel có thể tăng 1.900 - 2.200 đồng/lít, xăng tăng 200 đồng/lít.

Xăng dầu nhập khẩu giảm 35 - 40%

Về nguồn cung, hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) đều khẳng định đảm bảo cung ứng đủ sản lượng xăng dầu theo hợp đồng đã cam kết với các thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền.

Petrolimex hiện cung cấp xăng dầu cho khoảng 120 thương nhân phân phối và 1.800 thương nhân nhượng quyền. Tập đoàn khẳng định luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ nguồn hàng theo đúng cam kết về sản lượng trong hợp đồng. Tương tự PVOIL cũng khẳng định luôn tuân thủ đúng sản lượng hợp đồng đã ký với các đại lý xăng dầu dài hạn, thường xuyên của PVOIL.

Các doanh nghiệp đầu mối lớn đều khẳng định cung ứng đủ. Trong khi số liệu cho thấy, lượng xăng dầu nhập khẩu về trong quý 3 giảm mạnh

NHẬT THỊNH

Chưa từng thừa nhận thiếu nguồn cung, chỉ là thiếu cục bộ, tối 7.10, Bộ Công thương lý giải việc các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tại một số tỉnh, thành như Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… do chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các doanh nghiệp đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Trong thực tế, nguồn xăng dầu nhập khẩu trong quý 3 của các doanh nghiệp đầu mối giảm mạnh. Cụ thể, số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý 3, sản lượng nhập khẩu xăng giảm đến 40%, dầu diesel giảm 35% so với quý 2. Đặc biệt, Bộ Tài chính mới đây còn thông tin, chỉ có 19 trong số 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu nhập khẩu, còn lại không thấy nguồn hàng về. Trong đó, có thương nhân đầu mối thường nhập khẩu với số lượng lớn, nhưng quý 3 cũng không nhập, như Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil. Hay 2 doanh nghiệp đầu mối khác cũng không có lượng nhập hàng ghi nhận trong quý 3, đó là Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa.

Như vậy, theo nhận định của Bộ Tài chính, nguyên nhân thiếu hàng tại một số đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu và chiết khấu giảm có thể do sản lượng nhập khẩu giảm và lượng tồn kho giảm tại các thương nhân đầu mối, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu diễn biến khó lường (thời gian gần đây giảm liên tục). Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.