Dù đồng ý việc thay đổi tội danh của bị can Nga, Dung từ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” là có căn cứ, nhưng Viện KSND TP.HCM vẫn đề nghị cơ quan điều tra thận trọng khi miễn trách nhiệm hình sự đối với 2 bị can này.
[VIDEO] Mẹ con hoa hậu Phương Nga ngày được tại ngoại - Video tư liệu
|
Theo nguồn tin riêng của PV Thanh Niên, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã nhận lại toàn bộ hồ sơ vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bị can Trương Hồ Phương Nga (31 tuổi, quốc tịch VN và Nga, Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (28 tuổi) từ Viện KSND TP.HCM (gọi tắt là VKS). Qua đó, sau khi nhận được kết luận điều tra vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (CQĐT), VKS đã nghiên cứu và có quan điểm trả lời đề nghị của CQĐT.
Chuyển đổi tội danh là có căn cứ
Theo VKS, hồ sơ cho thấy vụ án rất phức tạp về chứng cứ để tiếp tục truy tố Nga, Dung về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
tin liên quan
Miễn trách nhiệm hình sự đối với Trương Hồ Phương Nga: 2 năm tạm giam có được xem là “oan sai” ?Do vậy, hành vi của Nga, Dung có dấu hiệu của tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, nên việc Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị thay đổi tội danh của Nga, Dung từ “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” là có căn cứ.
Cũng theo VKS, do khoản 1, điều 341 bộ luật Hình sự 2015 về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” có khung hình phạt từ 6 tháng đến 2 năm tù; trong khi Nga, Dung từng bị tạm giam hơn 2 năm 3 tháng, là vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại điều khoản này. Tuy nhiên, VKS đề nghị CQĐT thận trọng xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với 2 bị can này.
Trước đó, sau khi hết thời hạn điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM gửi sang VKS “bản kết luận điều tra trong trường hợp đình chỉ điều tra”. Trong đó, CQĐT đề nghị do không chứng minh được hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 2 bị can; hành vi của Trương Hồ Phương nga và Nguyễn Đức Thùy Dung có dấu hiệu của tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điều 267 bộ luật Hình sự 1999 nhưng do tội danh này ở bộ luật Hình sự 2015 đã bổ sung dấu hiệu định tội là “thực hiện hành vi trái pháp luật” nên Cơ quan CSĐT đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can theo hướng miễn trách nhiệm hình sự.
Vụ án phức tạp
Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung bị cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 16,5 tỉ đồng của ông Cao Toàn Mỹ (41 tuổi, Giám đốc Công ty Vina Cyber, ngụ Q.3, TP.HCM) bằng hành vi lừa mua bán nhà giá rẻ. Ngày 19.11.2014, CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 19.3.2015, Phương Nga và Thùy Dung bị bắt tạm giam.
Ngày 21.9.2016, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 1, Phương Nga khai 16,5 tỉ đồng được Cao Toàn Mỹ cho bị cáo thông qua hợp đồng tình cảm giữa 2 bên. Sau lời khai này, TAND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, ngày 6.2.2017, kết luận điều tra bổ sung khẳng định không có các hợp đồng tình cảm như Phương Nga và Thùy Dung khai nên CQĐT tiếp tục đề nghị truy tố 2 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình xét xử sơ thẩm lần 2, chiều 29.6.2017, TAND TP.HCM tiếp tục trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Cũng trong ngày 29.6.2017, tòa thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Phương Nga và Thùy Dung. Ngày 9.8.2017, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án. Tháng 6.2018, CQĐT phục hồi điều tra vụ án, phục hồi điều tra đối với Phương Nga và Thùy Dung.
Quá trình điều tra bổ sung, CQĐT thừa nhận không thu thập thêm được tài liệu để chứng minh hành vi gian dối có trước và là nguyên nhân ông Mỹ ngộ nhận và giao tiền mua nhà nhiều lần nên không đủ cơ sở cáo buộc 2 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bình luận (0)