Để phượt an toàn

05/11/2017 09:52 GMT+7

Phượt, một trào lưu rất phổ biến và thu hút nhiều người trẻ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến về việc có nên khuyến khích người trẻ phượt một cách bất chấp, khi liên tiếp những vụ tai nạn đau lòng đã xảy ra trên các cung đường phượt.

Nếu cứ sợ thì làm sao biết cuộc sống là gì ?
Trong chuyến phượt chinh phục Tà Năng - Phan Dũng (thuộc 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận) vào đầu tháng 10 vừa qua, một nữ phượt thủ đã tử nạn do bị nước lũ cuốn trôi khi đang vượt suối.
Mới đây (21.10) cộng đồng phượt lại xót xa khi đón nhận hung tin nam phượt thủ 28 tuổi tử nạn trên đường phượt lên TP.Đà Lạt. Theo như Báo Thanh Niên phản ánh thì nhóm phượt gồm 7 người, đi trên 5 xe máy chạy tốc độ khá cao trên QL20, đến đoạn đường H.Đức Trọng, Lâm Đồng thì 2 xe máy trong nhóm va quệt nhau. Cùng lúc đó một xe khách chạy hướng Đà Lạt - TP.HCM cán qua người nam phượt thủ khiến người này tử vong tại chỗ, cô gái ngồi cùng xe nạn nhân bị thương nặng.
Đây chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều vụ tai nạn xảy ra trên các cung đường phượt của người trẻ những năm gần đây.

tin liên quan

Chuyện trên cung đường phượt
'Ích kỷ' và 'thiếu ý thức' là những cụm từ mà người địa phương ở những điểm du lịch nói về một bộ phận bạn trẻ mỗi lần họ ào đến và đi, để lại rác cùng cảnh quan bị phá nát.
“Đừng đổ lỗi cho tuổi trẻ là thích xê dịch, phải xê dịch, đi đây đi đó để biết cái này cái kia, là dám nghĩ dám làm. Bạn có nhiều cách để sống trọn tuổi xuân của mình mà không hoang phí, bạn có thể đi du lịch, đi phượt nhưng đâu có nghĩa là phượt bất chấp mạng sống. Phượt nhưng lại kèm sự thích thể hiện, cứ lên xe là phóng. Các bạn có quyền chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, nhưng ba mẹ sinh mình ra, cho mình mạng sống thì hãy yêu quý nó”, Nguyễn Thùy Linh, cựu sinh viên Trường ĐH Sài Gòn bày tỏ.
Anh Phan Minh Sơn (Q.12, TP.HCM) từng chinh phục rất nhiều cung đường phượt khác nhau bằng xe máy, thẳng thắn thể hiện quan điểm: “Nếu nói thấy nguy hiểm rồi suốt ngày chỉ hết giảng đường là về nhà, rồi từ nhà đến giảng đường thì tuổi trẻ của bạn biết được gì ngoài hai nơi đó. Sống chết là số mệnh, mình có thay đổi được đâu, còn sự cố ngoài ý muốn thì dù có ru rú ở nhà cũng không tránh được. Tuổi trẻ là phải trải nghiệm, đi với cái đầu tỉnh táo và sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Hãy là những phượt thủ đúng nghĩa
Anh T.Đ.T (một trong 40 biker chinh phục Tây Tạng bằng mô tô) cho rằng hiện nay người trẻ đi phượt, ăn mặc một cách rất phong phanh và dường như không có kế hoạch cụ thể nào cho chuyến đi lẫn chuyện trang bị kỹ năng chạy theo địa hình cũng không được chú trọng.
Về những trường hợp thường xảy ra tai nạn khi đi phượt, anh T. phân tích: “Do giữ đội hình không tốt, chạy xe sát nhau. Và tâm lý thanh niên thường thích ăn thua, ráng thắng nhau trong các khúc cua đèo, nên dễ gây tai nạn cho nhau”.
Với kinh nghiệm đi phượt đường đèo của mình, anh T. chia sẻ thêm: “Trước khi lên đèo thông thường phải ngừng lại để mọi người uống nước cho tỉnh táo, sau đó thông báo là nhóm ABC gồm 2, 3 xe gì đấy thuộc dạng chạy nhanh sẽ chạy trước, nhóm trung bình chạy giữa và nhóm yếu chạy sau, có như thế mới không va quệt nhau”.
Nếu chuyến đi được chuẩn bị kỹ lưỡng và có một kế hoạch chu toàn thì chuyến đi đó thật sự rất ý nghĩa. Vì nó sẽ cho mình cơ hội được trải nghiệm, làm mới lại chính mình và thêm yêu đất nước, cảnh đẹp quê hương hơn
Anh Đặng Công Phú
Bên cạnh đó, anh T. cũng chỉ ra những bước cơ bản mà người đi phượt nên chú ý để tránh tai nạn đáng tiếc. “Đầu tiên phải trang bị đồ bảo hộ dành cho người đi xe máy gồm bộ đồ giáp, mũ bảo hiểm che kín mặt, găng tay, giày bảo hộ… Nhưng đa phần các bạn trẻ lại không thích mặc đồ bảo hộ vì bộ đồ đó rất khó chịu, gò bó. Thứ hai phải kiểm tra xe thật kỹ xe trước khi đi, trang bị những kỹ năng cần thiết để ứng phó sự cố phát sinh. Thứ ba phải đi theo đội hình, có người dẫn đoàn, người mở đường, người khóa đuôi. Quy tắc tối thiểu khi đi phượt là phải giữ đội hình. Không giữ đội hình và ham hố chạy xe để thể hiện thì tai nạn rất dễ xảy ra. Điều cuối cùng cũng hết sức lưu ý là đừng đi phượt khi đang có tâm trạng, chạy xe mà tâm trạng đang buồn rất dễ bị phân tâm. Nhưng một hiện tượng phổ biến hiện nay là cứ hễ buồn, người trẻ lại rủ nhau đi phượt”.
Còn anh Đặng Công Phú (ngụ Đắk Lắk) cũng là một người rất thích đi phượt và đã chinh phục rất nhiều cung đường phượt trên đất nước VN. Anh Phú nhìn nhận: “Rất mong các bạn trẻ hãy là những phượt thủ đúng nghĩa. Hãy đi phượt với sự chuẩn bị chu đáo trong mọi khâu, hãy là người thông thạo địa hình nhưng cũng đừng ỷ lại quá mà bất chấp để rồi dẫn đến những tai nạn”.
Anh Phú chia sẻ thêm: “Nếu chuyến đi được chuẩn bị kỹ lưỡng và có một kế hoạch chu toàn thì chuyến đi đó thật sự rất ý nghĩa. Vì nó sẽ cho mình cơ hội được trải nghiệm, làm mới lại chính mình và thêm yêu đất nước, cảnh đẹp quê hương hơn. Đi thật xa để trở về chứ đừng vì thiếu kinh nghiệm hay thậm chí ỷ lại vào kinh nghiệm mà quá dễ dãi với mỗi chuyến đi, để rồi chuyến đi đó là đi xa mãi. Tất nhiên, chuyện xui rủi thì không ai lường trước, nhưng chuẩn bị kỹ vẫn tốt hơn và tránh được những tai nạn không đáng có”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.