Đề thi cần kích thích sự sáng tạo của học trò

Bích Thanh
Bích Thanh
24/12/2019 09:09 GMT+7

Đề văn phải gần gũi, mang hơi thở cuộc sống , gắn liền với những vấn đề học sinh (HS) đang quan tâm, phù hợp với tâm lý lứa tuổi chứ đừng mang tính học thuật.

Cô Nguyễn Thị Hiền, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), cho rằng giáo viên có thể biên soạn đề theo hướng mở, tạo cho HS quyền thể hiện tư duy sáng tạo, thể hiện chính kiến và bảo vệ quan điểm một cách hợp lý chứ không nên đi theo khuôn mẫu, bó hẹp. Bởi mục tiêu cuối cùng của học văn là để phục vụ cuộc sống chứ không chỉ là trở thành nhà văn hay nhà thơ.
Còn cô M.L.T, đang dạy tại một trường THPT ở Q.1 (TP.HCM), cho rằng đề thi cần kích thích sự sáng tạo của học trò, để các em tư duy theo cách hiểu của mình. Có thể ban đầu sẽ cảm thấy khó khăn nhưng chính điều đó sẽ tạo động lực để HS tìm hiểu kiến thức chứng minh cho lựa chọn của mình. Hiện nay HS tiếp cận với những điều mới theo từng ngày, từng giờ mà giáo viên cứ đề cập đến những vấn đề xưa cũ, sáo mòn thì không thể khiến các em thích thú. Giáo viên cần bắt được “trend” (xu hướng) để chạm đến suy nghĩ của giới trẻ, giúp cho việc ra đề như HS mong đợi.
Tuy nhiên, theo các giáo viên, vấn đề quan trọng không phải ở đề thi mà còn cách đánh giá.
“Bên cạnh đó, giáo viên cần lưu ý đến mục tiêu giáo dục khi lựa chọn vấn đề đưa vào nội dung đề thi. Đặc biệt, để đề thi khiến HS quan tâm, thích thú thì điều quan trọng là cách đánh giá của giáo viên. Người dạy phải chấp nhận tư duy của người học và tập trung vào cách HS đưa ra ý kiến. Hãy nhìn nhận các luận điểm, cách lập luận có chặt chẽ hay không, hình thức diễn đạt có trôi chảy hay không chứ đừng mở một cách nửa vời là đề thoáng nhưng đáp án lại đóng”, cô T. nhận xét.
Còn cô Nguyễn Thị Hải, Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1, TP.HCM), thì nhận định mỗi lứa tuổi học trò có những quan tâm khác nhau nên vấn đề của đề thi phải phù hợp với lứa tuổi. “Có thể các em đồng tình hay phản biện nội dung mà đề thi thể hiện nhưng giáo viên phải tôn trọng. Khi đánh giá bài viết của HS thì điều cần quan tâm là những luận điểm các em thể hiện, những quan điểm các em lập luận...”, cô Hải nói.
Trước xu hướng ra đề thi theo hướng mở, Huỳnh Minh T.K, HS Trường THCS Colette (Q.3, TP.HCM), cho biết: “Hầu như HS đều “ngại” môn ngữ văn nên nếu gặp một đề thi có sự thay đổi hình thức câu hỏi, vấn đề tiếp cận thì chắc chắn chúng em có hứng thú. Việc yêu cầu thể hiện suy nghĩ, chứng minh quan điểm sẽ khó hơn việc học vẹt những tác giả, tác phẩm, nghệ thuật sử dụng trong tác phẩm… Nhưng như cô giáo dạy ngữ văn của em nói “cứ đi thì sẽ tới” nên những khó khăn ban đầu rồi cũng qua. Chúng em thích những dạng đề mở. Nói chung học văn cũng cần gần gũi với cuộc sống chứ không nên bó hẹp trong sách giáo khoa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.