Có "bẫy" câu hỏi trong từ vựng
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, nhận định đề thi tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có cấu trúc như Bộ GD-ĐT đã công bố. Nhìn chung đề không quá khó nhưng có tính phân loại cao đặc biệt ở các câu hỏi liên quan đến từ vựng (vocabulary).
"Các câu hỏi về ngữ âm, trọng âm ngữ pháp không là rào cản đối với các thí sinh nắm vững kiến thức cơ bản. Các câu hỏi liên quan đến mệnh đề quan hệ (Relative clauses), câu điều kiện (if- conditional sentences) hay các câu về thì (tenses) đều hiện diện và ở mức độ vừa phải, có thể xử lý được", thạc sĩ Thế Hữu cho hay.
Trong khi đó, theo thạc sĩ Hữu, các câu hỏi về từ vựng có tính thử thách cao hơn, tuy nhiên, thí sinh có thể đoán được lựa chọn cho mình trong ngữ cảnh được cung cấp bởi câu hỏi và bài đọc (đối với câu hỏi từ vựng liên quan đến bài đọc).
Ví dụ thí sinh làm mã đề 410 có thể dự đoán được nghĩa của cụm từ "loquacious" trong câu số 37 trong mối tương quan của từ này với từ "outgoing" trong bài đọc. Ngoài ra, để tránh các bẫy trong câu hỏi từ vựng, thí sinh cũng cần lưu ý đọc kỹ đề để nhận diện yêu cầu đúng như chọn từ gần nghĩa hoặc trái nghĩa.
Hai bài đọc trong mã đề 410 được bố trí theo thứ tự từ dễ đến khó. Bài đọc thứ 2 liên quan đến âm nhạc có thể khiến thí sinh bị rối. Để làm tốt các yêu cầu này, thí sinh cần bình tĩnh đọc và phân tích các phần của đoạn, không để bị xao nhãng bởi từ vựng và cấu trúc câu.
"Với đề này, mức điểm bình quân có thể ở mức 7-8. Những thí sinh nắm kiến thức cơ bản và làm bài cẩn thận có thể đạt mức điểm cao hơn", thạc sĩ Châu Thế Hữu nhận định.
Bài đọc khó, câu hỏi về từ trái nghĩa khá đánh đố thí sinh
Ông Nguyễn Minh Trí, nghiên cứu sinh tiến sĩ về giảng dạy tiếng Anh Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng cho rằng đề thi tiếng Anh năm nay hay với mức độ phân hóa cao, bao quát được những nội dung kiến thức căn bản của chương trình giáo dục phổ thông với những điểm ngữ pháp đặc trưng như câu bị động, đại từ quan hệ, mạo từ. Dự kiến tỷ lệ điểm liệt sẽ khá thấp.
Đề thi tổ hợp KHXH ‘dễ thở’ Điểm chuẩn các ngành khối C, D biến động ra sao
"Tuy nhiên, đề có nhiều câu hỏi khó yêu cầu học sinh phải nắm vững kiến thức và tư duy. Với dạng bài về âm, các câu hỏi khá dễ vì từ vựng quen thuộc và ít gây nhầm lẫn. Dù câu hỏi về từ đồng nghĩa khá dễ nhưng câu hỏi về từ trái nghĩa khá đánh đố học sinh khi ra thành ngữ, nội dung mà người học cần hiểu biết sâu về cụm ngữ mới có thể trả lời được", ông Trí nhận định.
Theo ông Trí, các câu hỏi về ngữ pháp phân bố đa dạng và căn bản xuyên suốt chương trình, ít gây khó khăn cho thí sinh. Nội dung cloze text (bài tập điền vào chỗ trống) được xem là khá khó vì câu hỏi cho các lựa chọn dễ nhầm lẫn với nhau thông qua những lựa chọn khá tương tự mà người học thường dễ mắc sai lầm.
"Bài đọc năm nay có tính phân hóa và khó hơn so với đề thi tiếng Anh năm 2023, đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ các tầng nghĩa hàm ẩn trong văn bản mới có thể trả lời được các câu hỏi suy luận hoặc phân biệt các nhận định đúng sai", ông Trí chia sẻ.
Bên cạnh đó, câu hỏi từ vựng trong bài đọc cũng khá khó vì các dữ liệu trong bài còn mờ nên thí sinh khó đoán được nghĩa của từ. 3 câu hỏi về chọn lỗi sai khá khó vì các lựa chọn đều rơi vào những trường hợp hay sai của học sinh phổ thông nên thí sinh sẽ ít nhìn ra lỗi.
Bình luận (0)