Để TP.HCM đột phá

13/12/2020 06:21 GMT+7

Vừa qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã đưa ra quy định cán bộ được giới thiệu phải chuẩn bị chương trình hành động cụ thể theo chức trách và nhiệm vụ dự kiến được phân công.

 Trình bày chương trình hành động này khi được giới thiệu đề cử.
Quy định trên là cần thiết, nhưng cũng chỉ là bước khởi đầu cần thiết để hoàn thiện bộ máy công quyền hiệu quả. Xa hơn, chúng ta cần một chương trình đánh giá đầy đủ hiệu quả của từng sở ngành, từng cá nhân. Chương trình như thế vốn dĩ đã được thực hiện rất phổ biến ở các doanh nghiệp cũng như cơ quan công quyền ở nhiều quốc gia phát triển. Đó là xây dựng bộ tiêu chí và thực hiện chỉ số đánh giá công việc (KPI - key performance index).
Việc sử dụng KPI mang lại ba lợi ích: đảm bảo sự công khai, minh bạch giữa người giao việc và người nhận việc; giúp định hướng trách nhiệm và định lượng được khối lượng công việc để giúp kiểm tra, đối chứng sau này; tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh để thúc đẩy các cá nhân ở cùng một vị trí cải thiện hiệu quả hoạt động, từ đó thúc đẩy hoạt động của cả tổ chức. Ba yếu tố này làm tăng hiệu quả, năng suất và hình thành văn hóa làm việc (chuyên nghiệp) tại các cơ quan, tổ chức.
Thực tế là nhiều năm qua, các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp phải đặt ra, đeo bám kết quả đầu ra mỗi ngày, mỗi tuần. Nhưng các cơ quan quản lý hay cấp phép (cho họ) lại “đủng đỉnh”. Bằng chứng là trong khi chính các cấp lãnh đạo TP.HCM đang thúc đẩy nhanh các chương trình thông minh, chuyển đổi số, nhưng đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về dịch vụ của các cơ quan, sở ngành của TP thì lại giảm. Điều này thể hiện qua việc xếp hạng của TP.HCM về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số về hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) giảm trong những năm gần đây. Hay việc giải quyết các thực trạng như ngập nước, chương trình phát triển hạ tầng giao thông và đô thị vẫn trì trệ…, nhưng trách nhiệm thì bị “đẩy qua đẩy lại”.
Khi xây dựng hệ thống KPI cá nhân và ban ngành thì những tồn tại trên sẽ có cơ sở để giải quyết, để làm rõ trách nhiệm một cách minh bạch và người dân có thể tham gia giám sát. Tất nhiên, việc xây dựng một hệ thống đánh giá như thế cũng là thay đổi văn hóa chính trị nên không hề dễ dàng. Đó là chưa kể chúng ta phải thay đổi rất nhiều đặc điểm chưa tốt vốn đã “ăn sâu đóng rễ” trong hệ thống công quyền.
Nhưng “hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Với không ít lần đột phá về cách nghĩ cách làm trong quá khứ, TP.HCM đã vươn lên mạnh mẽ thì đây là lúc bắt đầu một đột phá mới. Đột phá trong cơ chế tổ chức, đánh giá cán bộ nhằm hướng đến sự phát triển ngang tầm các TP phát triển trên thế giới. Chính quyền của dân, do dân và vì dân sẽ luôn là một chính quyền phải đặt mục tiêu chất lượng dịch vụ công lên hàng đầu và có trách nhiệm giải trình cho người dân, doanh nghiệp về các kế hoạch, dự án, chính sách của mình!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.