Đổ lỗi vòng quanh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
12/12/2020 06:26 GMT+7

Việc trẻ từ lớp 1 phải học thêm tối ngày, sai cả về quy định của ngành GD-ĐT và khoa học giáo dục vốn gây bức xúc dư luận lâu nay, nhưng sao vẫn mặc nhiên tồn tại?

Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT ban hành từ năm 2012 quy định về dạy thêm, học thêm đã nêu rõ: “Không dạy thêm đối với học sinh (HS) đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với HS tiểu học...”.
Năm 2020, cả nước thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, những tưởng cùng với quy định không dạy thêm với HS tiểu học và thiết kế chương trình bắt buộc phải dạy học 2 buổi/ngày, HS từ lớp 1 sẽ thoát cảnh học thêm. Đặc biệt, năm nay Bộ GD-ĐT còn ra văn bản nhấn mạnh lại yêu cầu các trường thực hiện nghiêm quy định không giao bài tập về nhà cho HS lớp 1 để giảm áp lực cho HS...
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, từng nhiều lần phân tích khi chấn chỉnh tình trạng dạy thêm: “Giáo viên (GV) và phụ huynh HS cần phải nhận thức rõ rằng, đối với lứa tuổi HS tiểu học, thời gian học và chơi cần phải được cân đối hài hòa, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi. Hiện nay, các con đã được học cả ngày ở trường, có nghĩa là đã học 7 tiết các môn văn hóa, mỗi môn trung bình 35 phút trong một ngày. Như vậy là quá đủ thời lượng để hoàn thành chương trình học của Bộ GD-ĐT”.
Ấy vậy mà những gì thực tế diễn ra hoàn toàn ngược lại. Tuy nhiên, nếu hỏi nguyên nhân chính xác từ đâu, lỗi tại ai, thì câu trả lời nhận được sẽ chỉ cho thấy tất cả đang đổ lỗi vòng quanh.
Phụ huynh nói cô giáo liên tục gây áp lực, nhận xét tiêu cực về tình trạng học chậm của HS để khiến gia đình sốt ruột phải “tự nguyện” đăng ký cho con học thêm ở lớp do chính cô tổ chức. Trong khi GV thì nói do chương trình quá nặng, nếu không học thêm thì HS sẽ không theo kịp chương trình khi chỉ học trên lớp; hơn nữa, do phụ huynh “năn nỉ” chứ họ không ép...
Về việc đổ lỗi cho chương trình nặng, Bộ GD-ĐT cho rằng chương trình thiết kế thống nhất trên cả nước để HS dù ở TP hay vùng sâu, vùng xa cũng học được. Việc dạy thêm chủ yếu xảy ra ở khu vực thành thị, do vậy không thể nói rằng HS ở TP phải học thêm mới theo kịp chương trình, còn ở miền núi thì lại không có phàn nàn như vậy. Cả Bộ GD-ĐT và không ít chuyên gia giáo dục cho rằng ngoài mục đích tiêu cực, có một nguyên nhân là cả GV và phụ huynh đều kỳ vọng vào thành tích học tập của trẻ, nên vô tình gây áp lực lên con trẻ... Dư luận xã hội thì chỉ trích “tệ nạn” này là do chế độ tiền lương của GV quá ít, chưa đủ sống nên GV phải tìm mọi cách để dạy thêm...
Nguyên nhân nào cũng đúng. Và Bộ GD-ĐT không thể chỉ ban hành các văn bản là hết trách nhiệm, mà phải rà soát lại các điều kiện để thực thi nó. Đó là một chương trình thực sự giảm tải; là những kỳ thi không đánh đố; là nâng cao chất lượng GV, và đề xuất cho họ đồng lương đủ sống. Chỉ khi ấy, việc ép HS phải “tự nguyện” học thêm mới mong có hồi kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.