Đẻ trên đường, xử trí sao cho mẹ tròn con vuông?

24/08/2019 04:28 GMT+7

Nhiều trường hợp sản phụ chuyển dạ nhanh hoặc sinh sớm, không kịp đến bệnh viện mà sinh ngay trên đường, trên xe có thể nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con nếu không được hỗ trợ xử trí.

Hú hồn những trường hợp... đẻ rơi

Gần đây, khi có dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ H.T.N.A (20 tuổi, ngụ TP.HCM, mang thai 38 tuần) đã cùng chồng đi taxi đến bệnh viện. Tuy nhiên, mới đi được gần 2 km, chị A. đã vỡ ối. Biết không kịp đến bệnh viện phụ sản nên tài xế và gia đình quyết định dừng xe ngay trước cửa Khoa Cấp cứu của… Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM). Trước tình huống trên, các y bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng thành phố đã nhanh chóng huy động phương tiện cấp cứu, đón sản phụ và em bé chào đời ngay… trong xe taxi.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, kể lại: “Các y bác sĩ và cả tài xế taxi đã làm “bà đỡ” cho ca sinh mẹ tròn con vuông. Em bé được cắt dây rốn ngay trên xe. Sau đó, nhân viên y tế vệ sinh và giữ ấm cho bé bằng lồng ấp. Em bé được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Sản phụ cũng được bác sĩ sổ nhau, cầm máu tốt, xử trí ổn định sau cuộc “vượt cạn” và chuyển qua bệnh viện có khoa phụ sản để chăm sóc hậu sản”.
Cách đây hơn 1 tháng, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) cũng được một người dân chạy đến báo tin có sản phụ đẻ rơi ngay trên đường Nguyễn Cư Trinh (Q.1, gần bệnh viện). Ngay lập tức, các bác sĩ và nữ hộ sinh Khoa Cấp cứu của bệnh viện đã lên xe cứu thương đến hiện trường. Khi đến nơi, các bác sĩ thấy sản phụ nằm ở góc đường, đã sinh bé trai, chưa cắt rốn, người mẹ chưa sổ nhau.
Các nhân viên y tế nhanh chóng ủ ấm, cắt dây rốn cho em bé; giữ ấm cho mẹ và chuyển hai mẹ con về bệnh viện. Em bé được da kề da với mẹ, tiêm vitamin K1 và các thuốc cần thiết. Hai mẹ con được chăm sóc ổn định sức khỏe. Đây là trường hợp sản phụ 31 tuổi, sinh con lần thứ 5 và suốt thai kỳ không khám thai. Thấy đau bụng nên chị nhờ người chở xe máy đến bệnh viện nhưng giữa đường đã sinh con.

Làm gì khi đẻ rơi?

Theo bác sĩ Lê Tiểu My, Khoa Phụ sản - Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM): Để giảm rủi ro có thể sinh dọc đường (đẻ rơi) thì khi mang thai, điều quan trọng là sản phụ cần khám thai định kỳ, tầm soát nguy cơ sinh non.
Sản phụ chú ý không đi du lịch xa vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu cần đi công tác, du lịch…, hãy tìm hiểu về cơ sở y tế gần nhất, di chuyển bằng phương tiện an toàn và ít mất thời gian nhất. Luôn mang theo sổ khám thai bên mình, để nếu có chuyển dạ thì đến bệnh viện đỡ mất thời gian hơn, bác sĩ có nhiều thông tin hơn, xử lý cũng dễ dàng hơn, đặc biệt trong những trường hợp thai kỳ có bất thường đi kèm.
Bác sĩ My lưu ý các dấu hiệu báo chuyển dạ: đau bụng từng cơn (gò tử cung), trằn bụng, ra nhớt hồng, có cảm giác muốn đi đại tiện... Các dấu hiệu đa dạng và đôi khi chuyển dạ diễn tiến nhanh, đặc biệt là với người đã từng sinh nở. Do đó, khi thấy các dấu hiệu này, sản phụ cần đi khám ngay.
“Nếu chẳng may chưa kịp đến bệnh viện mà đã sinh dọc đường, sản phụ cũng đừng quá mất bình tĩnh, đừng la hét, hoảng hốt, dễ làm người xung quanh mất bình tĩnh và hoảng loạn theo. Hãy hít sâu, thở đều. Tài xế lái xe chở sản phụ, người đi cùng cần tập trung xác định cơ sở y tế gần nhất và đến ngay đó”, bác sĩ My khuyên.
Để giúp sản phụ sinh nở giữa đường, cần có 2 cái khăn to, sạch: một để sản phụ nằm lên đó, một để ủ ấm bé ngay sau khi ra khỏi âm đạo.
Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Chí Thương, Bệnh viện Từ Dũ, giảng viên Đại học Y dược (TP.HCM), hướng dẫn cụ thể: Trong trường hợp sản phụ sinh trên đường đi, trên xe taxi, có 2 việc cần làm để an toàn cho mẹ và bé. Thứ nhất, đối với bé, phải khai thông đường thở của bé bằng cách hút nhớt. Lúc này, lấy khăn hay áo chùi ngay mũi miệng của bé. Nếu được, người lớn có thể lấy miệng mình hút nhớt ngay mũi miệng bé. Sau đó, lấy khăn hay áo quấn ấm cho bé để tránh hạ thân nhiệt. Thứ hai, đối với mẹ, nguyên tắc là hạn chế mất máu nhiều gây băng huyết sau sinh. Vì vậy, lấy tay xoa bóp vùng ngay dưới rốn có một cục cứng cứng, đó là tử cung. Cục này càng cứng và càng nhỏ thì tử cung càng gò tốt, ít bị chảy máu.
Bác sĩ Thương khuyên sản phụ cũng không nên vào bệnh viện sớm quá vì nguy cơ quá tải, nhiễm trùng, tốn kém. Tuy nhiên, chú ý nếu thấy ra nhớt hồng (máu báo) hay ra nước, hoặc thấy bụng khoảng 10 phút có một cơn gò thì nên vào bệnh viện. Đặc biệt, sinh con thứ hai thường nhanh hơn con đầu lòng.
“Từ lúc có dấu hiệu bắt đầu chuyển dạ đến lúc sinh không thể xảy ra trong vòng 1 - 2 giờ, vì vậy, đừng quá hoang mang. Trong trường hợp bạn muốn sinh ở bệnh viện xa nhà, khi có dấu hiệu chuyển dạ, nên đến khám ở cơ sở y tế gần nhất trước, để bác sĩ giúp bạn xác định có thể di chuyển đến đó hay không, hoặc có phương tiện và nhân viên y tế hỗ trợ. Điều đó tốt hơn bạn tự ý “liều mình” mà đi”, bác sĩ Lê Tiểu My tư vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.