Những năm qua, do không có căn cứ pháp lý cho các yêu sách về chủ quyền ở vùng biển này, Bắc Kinh đang áp dụng cách thức “lý lẽ thuộc về kẻ mạnh” khi thực hiện chính sách đối ngoại ở khu vực.
Cách thức như vậy gây ảnh hưởng ngay đến các thành viên ASEAN, đồng thời tạo ra hậu quả lâu dài khi Bắc Kinh tìm cách kiểm soát thực tế ở Biển Đông. Xét về góc độ quân sự thì rõ ràng có ưu thế hơn các nước thuộc ASEAN.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần xây dựng sự đồng thuận với các đối tác trong khu vực ở nhiều cấp độ, đồng thời phát triển một hệ thống hồ sơ pháp lý toàn diện.
Theo đó, đầu tiên, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với các nước liên quan trong khu vực như Malaysia, Philippines, Indonesia, Brunei.
Thứ hai, làm việc với các thành viên khác trong ASEAN để dần tạo sự đồng thuận.
Thứ ba, tăng cường phối hợp với các cường quốc ngoài khu vực ASEAN như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ…
Ở góc độ pháp lý, Việt Nam nên dần có những biện pháp ngày càng cao hơn. Trong việc Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (PCA) năm 2016 bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông, thì kết quả thực thi lại chưa cao do Trung Quốc không tuân thủ. Tuy nhiên, việc tiến hành liên tục nhiều biện pháp pháp lý sẽ càng chứng minh sự thiếu nhất quán, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Những hình thức bành trướng sẽ bị lộ rõ hơn.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần mở rộng hợp tác hàng hải, thực hiện các hải trình phối hợp cùng nhiều bên, điều động tàu thường xuyên qua lại với các nước khác trên các tuyến hải trình trên Biển Đông. Ngược lại, Việt Nam cũng nên rộng cửa đón chào sự hoạt động chính đáng của các nước khác ở vùng biển trong khu vực. Đó là hình thức để thể hiện sự công nhận lẫn nhau trong các tuyên bố chủ quyền phù hợp. Với những biện pháp như vậy, Việt Nam vừa đảm bảo giữ vững chính sách không liên minh quân sự, nhưng vẫn phối hợp cùng nhiều nước để đẩy lùi sự bành trướng của Trung Quốc.
Bình luận (0)