Để xe buýt mini hết 'kẹt'

Mai Hà
Mai Hà
23/01/2021 07:05 GMT+7

Câu chuyện xe buýt mini do Sở GTVT TP.HCM đề xuất đã giằng co gần 1 năm nay, nhưng chưa thể thực hiện.

Tháng 8.2020, Bộ GTVT đã bác bỏ đề xuất xe buýt mini tích hợp ứng dụng công nghệ, với lý do không phù hợp với quy định của luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định số 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Dù bị bác bỏ, song mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã “xé rào” khi kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất trực tiếp lên Chính phủ chấp thuận cho TP được triển khai 30 tuyến buýt cỡ nhỏ (12 chỗ), có khả năng di chuyển, đón khách tại các hẻm 4 - 6 m. Lý do, theo TP.HCM, xe buýt mini có chức năng riêng, trung chuyển, gom khách kết nối với các tuyến buýt chính, đầu mối chuyển khách cho các tuyến metro sau này.
Trên thực tế, cả TP.HCM và Hà Nội đều cần các tuyến buýt cỡ nhỏ để giải bài toán giao thông tại các tuyến đường cỡ nhỏ, các ngõ hẻm sâu mà xe buýt cỡ lớn khó tiếp cận. Song chỉ vì chưa có trong các quy định văn bản pháp luật, nên loại hình buýt nhỏ (mini bus hoặc micro bus) vẫn đang vắng bóng trong hệ thống vận tải công cộng của cả 2 TP. Bản thân TP.HCM từng triển khai loại hình bus mini (xe buýt 12 chỗ cải tạo từ xe tải nhỏ đời mới) đầu những năm 2000, nhằm thay thế xe lam 3 bánh cũ gây ô nhiễm và không an toàn. Song từ năm 2006, khi Nghị định 110/2006/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải ra đời, loại xe này đã bị loại bỏ.
Tại một số nước, mini bus được sử dụng như một phương tiện vận tải công cộng hiệu quả dưới hình thức dịch vụ vận tải chia sẻ (share taxi), không giống buýt truyền thống. Tại Anh hay Na Uy, khái niệm mini bus cũng đều dưới 16 chỗ ngồi, trong khi các quy chuẩn, quy định tại Việt Nam hiện nay đều ràng buộc xe buýt phải trên 17 chỗ và có sàn xe dành cho khách đứng.
Trong khi đó, quy định bắt buộc xe buýt phải có chỗ đứng khiến các doanh nghiệp xe buýt liên tỉnh (17 - 25 chỗ) chật vật, bởi kết cấu các xe này không cho phép dành khoảng trống cho hành khách đứng, chưa kể không phù hợp với người sử dụng, hiệu quả không cao, do quãng đường di chuyển thường dài vài chục ki lô mét.
Bài học từ sự bùng nổ loại hình gọi xe công nghệ với Grab, be, Gojek hay Uber vài năm trước cho thấy, việc chậm bổ sung, điều chỉnh các quy định trước sự vận động và phát triển bùng nổ của thị trường thời 4.0, sẽ khiến chính cơ quan quản lý như Bộ GTVT rơi vào thế “việt vị”.
Tất nhiên, loại hình xe buýt cỡ nhỏ có những hạn chế đi kèm trong hoạt động và dễ biến tướng, song không thể duy trì tư duy không quản được thì cấm. Thay vì cứng nhắc bác bỏ đề xuất buýt mini, các đơn vị tham mưu của Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ loại hình này, xác định các bước đi cụ thể về quản lý, đầu tư phương tiện, hạ tầng. Bộ GTVT cần “cởi trói” về tư duy, mạnh dạn cho thí điểm hoạt động buýt mini tại TP.HCM hoặc Hà Nội, như với gọi xe công nghệ trước đây, từ đó rút ra các vấn đề phát sinh, hoàn thiện cơ chế pháp lý, gỡ bỏ rào cản chính sách với loại hình này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.