Đề xuất bỏ thi thăng hạng: Bộ GD-ĐT đồng tình nhưng giáo viên phải chờ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/08/2023 07:18 GMT+7

Sau tâm tư, đề xuất của giáo viên liên quan đến việc xét thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ GD-ĐT đã nêu quan điểm ủng hộ bỏ thi nhưng cũng cho biết không đủ thẩm quyền để quyết định.

NHIỀU BỨC XÚC

Mới đây gần 2.500 giáo viên (GV) Hà Nội viết tâm thư bày tỏ mong muốn bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN). Bởi theo họ, thăng hạng CDNN vốn là một sự đãi ngộ, ghi nhận và khuyến khích về những thành tích, cống hiến của GV nhưng việc thực hiện chưa đồng bộ giữa các địa phương, trong khi tỉnh này tổ chức xét, tỉnh khác lại phải thi.

Nhiều GV khác cũng cùng chung nguyện vọng nên bỏ thi và xét thăng hạng cho GV. Bởi họ cho rằng tiêu chí quan trọng nhất để xét thăng hạng chính là những đóng góp cho ngành giáo dục. Chưa kể, công sức, thời gian GV dành cho việc ôn tập và dự thi cũng không ít, nhưng tính chất kỳ thi lại không xây dựng được giá trị cốt lõi gì đối với ngành giáo dục.

Một GV ở Q.Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết với độ tuổi ngoài 50, nếu thi thăng hạng thì quả là một "cửa ải" khó có thể vượt qua, bởi sự hạn chế về ngoại ngữ và tin học so với lớp GV trẻ. Như vậy sẽ tạo ra sự bất công, nhất là những thầy cô có nhiều năm công tác, đóng góp nhiều thành tích cho sự nghiệp giáo dục.

Đề xuất bỏ thi thăng hạng: Bộ GD-ĐT đồng tình nhưng giáo viên phải chờ - Ảnh 1.

Nhiều giáo viên tâm tư, bức xúc liên quan việc xét thăng hạng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Không chỉ bức xúc về thi thăng hạng, hơn 300 GV tại Hà Nội cũng gửi kiến nghị tới Bộ GD-ĐT, bày tỏ lo lắng quy định tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 08) khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến. Có những GV 28 năm làm nghề, chờ gần 9 năm để nhận lương bậc ĐH vẫn "hụt" vì thiếu 2 tháng. Nếu chờ tiếp, có những GV đến tuổi nghỉ hưu cũng không còn cơ hội tăng lương.

Trong đơn kiến nghị, các GV cho biết Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho GV theo Thông tư 08 và yêu cầu GV phải có bằng ĐH từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30.8.2023. Với quy định này, nhiều GV đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng ĐH trước năm 2019 theo luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ. Trong đơn kiến nghị, các GV mong muốn Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh Thông tư 08, chỉ yêu cầu GV có bằng ĐH 1 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng và có đủ 9 năm giữ hạng tương đương hạng III được nộp hồ sơ dự thăng hạng bổ sung trong đợt này.

Các GV cũng chỉ ra rằng bỏ thi thăng hạng CDNN sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho GV. Ngoài ra, ngành giáo dục hiện có hơn 1 triệu viên chức, mỗi GV dự thi phải đóng lệ phí 500.000 đồng. Nếu bỏ thi thăng hạng CDNN thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được số tiền lớn cho việc tổ chức thi và các chi phí kèm theo.

B GD-ĐT: ĐỀ XUẤT BỎ THI LÀ CÓ CĂN CỨ NHƯNG…

Trước tâm tư của GV, mới đây Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã có văn bản giải đáp một số vấn đề trong quá trình thực hiện Thông tư 08 quy định về mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.

Dù khẳng định Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng CDNN GV và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng nhưng theo Bộ, đề xuất của GV về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN là có căn cứ.

Đề xuất bỏ thi thăng hạng: Bộ GD-ĐT đồng tình nhưng giáo viên phải chờ - Ảnh 2.

Những ý kiến đề xuất bỏ thi và xét thăng hạng cho giáo viên bởi họ cho rằng tiêu chí quan trọng nhất để xét thăng hạng chính là những đóng góp cho ngành giáo dục

ẢNH MINH HỌA: NHẬT THỊNH

Hiện, Bộ GD-ĐT đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng. "Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng GV nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những GV thực sự xứng đáng để thăng hạng".

Liên quan việc xác định tổng thời gian giữ hạng (đủ từ 9 năm) để làm căn cứ bổ nhiệm, chuyển xếp từ CDNN GV tiểu học, THCS hạng II cũ sang CDNN GV tiểu học, THCS hạng II mới còn chưa thực hiện thống nhất ở một số nơi. Bộ GD-ĐT cho biết theo quy định sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 08, điều kiện để GV tiểu học, THCS hạng II cũ được chuyển xếp sang CDNN GV tiểu học, THCS hạng II mới là có tổng thời gian giữ hạng III cũ và hạng II cũ đủ từ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự). "Trong đó, Bộ GD-ĐT không quy định điều kiện về trình độ đào tạo là ĐH đối với tổng thời gian giữ hạng này. Việc một số địa phương yêu cầu 9 năm giữ hạng III cũ và hạng II cũ phải là 9 năm GV đã đạt trình độ ĐH là không đúng", Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ liên quan đến nâng hạng CDNN đều đang đáp ứng được sự mong đợi lâu nay của viên chức, trong đó lực lượng đông đảo là GV. Tuy nhiên, nhiều GV cho rằng nếu không sớm hiện thực hóa thành văn bản pháp lý thì GV vẫn phải chấp nhận theo hướng dẫn khác nhau của từng địa phương và chắc chắn không tránh khỏi thiệt thòi, bức xúc. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Sẽ bỏ thi thăng hạng, trả lương theo vị trí việc làm

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà từng chia sẻ các kỳ thi (thăng hạng) thời gian qua chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức, bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc; viên chức trước và sau khi thăng hạng không có sự khác biệt về chất lượng công việc, năng lực. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập của viên chức. "Bộ Nội vụ đang tham mưu bỏ thi thăng hạng. Trước mắt là thực hiện xét thăng hạng, theo tiêu chuẩn, theo điều kiện để khắc phục các bất cập. Hướng tới vài năm nữa, sẽ bỏ thi thăng hạng và xét thăng hạng mà thay vào đó là trả lương theo vị trí việc làm", bà Trà nói.

Lãnh đạo các sở nội vụ nói gì ?

Trao đổi với báo chí, ngày 8.8, ông Trần Đình Cảnh, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, cho biết Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến để sửa đổi thông tư và tham mưu sửa đổi nghị định của Chính phủ theo hướng bỏ thi thăng hạng và chỉ xét, nhưng "hiện nay, những văn bản này chưa được sửa đổi, nên vẫn phải áp dụng theo các quy định hiện hành". Đối với viên chức, để làm cơ sở thăng hạng CDNN từ hạng III (tương đương chuyên viên) lên hạng II và hạng I (lần lượt tương đương chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp) có 2 hình thức thi hoặc xét. Về thẩm quyền, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo xây dựng và phê duyệt đề án, xin ý kiến Bộ Nội vụ trước khi tổ chức thi hoặc xét.

Theo ông Cảnh, căn cứ vào số lượng viên chức, GV đăng ký, lúc đó mới quyết được việc thi hay xét tuyển. Nếu số lượng quá lớn, hình thức xét tuyển là gần như khó thực hiện được. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng mặc dù rất chia sẻ với mong mỏi của các GV là xét thay vì thi tuyển, song việc triển khai thăng hạng phải theo quy định của nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ chứ không phải Hà Nội muốn đặt ra chuyện thi.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang, cho biết sở căn cứ theo văn bản của Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT để nghiên cứu, tính toán rất kỹ, phù hợp với địa phương. Với trường hợp nào vướng thì vận dụng thông tư có lợi cho GV. Đối với trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện bổ nhiệm, xếp lương vào hạng CDNN theo quy định thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của CDNN hiện hưởng, thực hiện bổ nhiệm và xếp lương khi có đủ điều kiện hoặc có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. "Trường hợp GV chưa được bổ nhiệm CDNN đúng với cấp đang giảng dạy thì cơ quan, địa phương, đơn vị rà soát, lập danh sách và hồ sơ đề nghị xét chuyển CDNN gửi về Sở Nội vụ trước ngày 10.9.2023...", ông Hùng lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.