Đề xuất công an được trả tiền để mua tin vi phạm giao thông

11/08/2024 06:22 GMT+7

Bộ Công an đang xây dựng dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe.

Cơ quan soạn thảo đề xuất lực lượng công an được sử dụng nguồn kinh phí trên để mua tin phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGT), mức chi mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nhưng không quá 5 triệu đồng. Đồng thời, các cơ quan có thể khen thưởng cho tập thể, cá nhân đã cung cấp thông tin có giá trị giúp bảo đảm TTATGT, mức chi cũng không quá 5 triệu đồng mỗi vụ việc.

[Bộ Công an đề xuất cơ chế trả tiền mua tin để phục vụ công tác đảm bảo TTATGT (ảnh minh họa)]_[HOÀNG TUÂN].jpg

Bộ Công an đề xuất cơ chế trả tiền mua tin để phục vụ công tác đảm bảo TTATGT (ảnh minh họa)

HOÀNG TUÂN

Khuyến khích người dân tố giác vi phạm

Lâu nay, việc kêu gọi toàn dân tham gia cung cấp thông tin vi phạm TTATGT được nhiều địa phương, đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, cơ chế chi tiền hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin ít được sử dụng, nếu có chỉ là số ít.

Ví dụ, cuối tháng 11.2023, UBND các tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai lần lượt ban hành kế hoạch phát động phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin, hình ảnh vi phạm về TTATGT trên địa bàn. UBND 2 tỉnh đề nghị kịp thời động viên, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào nêu trên.

Đề xuất công an được trả tiền để mua tin vi phạm giao thông

Trong khi đó, Công an TP.Hà Nội và công an một số tỉnh, thành cũng công khai trang Zalo, đường dây nóng đề nghị người dân chủ động tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm TTATGT. Việc kêu gọi chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân, chưa có cơ chế trả tiền hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin.

Đề xuất của Bộ Công an vì vậy đang được quan tâm. Đây cũng là lần đầu tiên cơ chế chi tiền để mua tin hoặc thưởng cho người cung cấp thông tin về TTATGT chính thức được đề xuất trong một văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng thống nhất trên cả nước.

Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), việc tiếp nhận thông tin phản ánh về TTATGT từ người dân hoặc cơ quan báo chí, truyền thông đã và đang thực hiện, được quy định tại các thông tư của Bộ Công an về tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT, nhưng đều chưa có cơ chế trả tiền để mua tin. Với đề xuất tại dự thảo nghị định, việc này sẽ góp phần động viên, khích lệ người dân hưởng ứng công tác bảo đảm TTATGT, lên án các hành vi vi phạm để lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, kỳ vọng việc trả tiền để mua tin hoặc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm TTATGT sẽ giúp người dân "nhiệt tình" tố giác hơn, đồng thời cho thấy sự quan tâm của nhà nước đối với lĩnh vực này.

Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp cung cấp thông tin vi phạm TTATGT đòi hỏi phải bỏ thời gian, công sức, thậm chí là trang thiết bị để đảm bảo chất lượng của thông tin. Vì thế, số tiền chi trả hoặc thưởng từ cơ quan chức năng dù không nhiều nhưng cũng là nguồn khích lệ đáng kể đối với họ. "Không phải chúng ta dùng đồng tiền để kêu gọi tố giác, người dân cũng không phải vì đồng tiền mới cung cấp thông tin; mục đích lớn nhất là động viên để người dân tích cực tham gia, qua đó cũng gián tiếp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về TTATGT, rất nhiều lợi ích", ông Tạo nói.

Đồng quan điểm, luật sư (LS) Hà Công Tâm, Đoàn LS TP.Hà Nội, cũng cho rằng xưa nay dù không có tiền thì người dân vẫn cung cấp thông tin vi phạm TTATGT; việc trả tiền để mua tin hoặc thưởng tiền nếu có thì ý nghĩa chính là động viên, khích lệ. Theo LS, lực lượng CSGT không phải lúc nào cũng có mặt mọi thời điểm, mọi tuyến đường, nếu đông đảo người dân tham gia vào việc giám sát, cung cấp thông tin thì đây sẽ là một kênh rất hữu ích nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm. "Với việc giám sát của người dân, tài xế cũng nâng cao ý thức hơn, bởi lúc nào cũng có "tai mắt" giám sát, nếu vi phạm sẽ bị phát hiện ngay lập tức", LS Tâm nói.

Cơ chế trả tiền, thưởng tiền ra sao?

Bên cạnh sự ủng hộ, nhiều ý kiến băn khoăn về việc cơ chế trả tiền, thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm TTATGT sẽ thực hiện ra sao. TS Khương Kim Tạo kiến nghị cần xây dựng các tiêu chí đối với thông tin cung cấp, chỉ thông tin nào đủ điều kiện thì mới được chi tiền hoặc thưởng.

Ông Tạo lấy ví dụ, với một thông tin do người dân cung cấp, lực lượng CSGT xác minh, xử lý thành công thì người cung cấp tin sẽ được trả tiền theo phần trăm số tiền người vi phạm bị xử phạt. Đồng thời, việc chi tiền cũng nên có "mức sàn" và "mức trần", không thể tịnh tiến không giới hạn theo số tiền xử phạt.

LS Hà Công Tâm thì cho rằng nên có sự chọn lọc đối với thông tin được trả tiền hoặc thưởng, tránh việc áp dụng tràn lan sẽ ảnh hưởng đến ngân sách. Cơ quan chức năng cũng cần tính toán đến khả năng xảy ra tình trạng "đua nhau" ghi hình vi phạm TTATGT, thậm chí tìm mọi cách để có được thông tin nhằm hưởng khoản tiền chi trả, dẫn tới nguy cơ xâm phạm hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác.

Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết, đề xuất của Bộ Công an mới là dự thảo, cơ quan soạn thảo sẽ ghi nhận ý kiến của người dân, cơ quan, bộ, ngành để có sự tiếp thu, điều chỉnh hợp lý. Trường hợp đề xuất được thông qua, đây sẽ là "bộ khung pháp lý" để thực hiện cơ chế trả tiền mua tin hoặc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vi phạm TTATGT. Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết về cơ chế chi trả.

Về nguyên tắc, yêu cầu đối với thông tin cung cấp để được trả tiền hoặc thưởng cũng tương tự với các quy định về tiếp nhận thông tin phản ánh liên quan đến TTATGT đang áp dụng hiện nay. Điển hình như thông tin phải phản ánh khách quan, rõ về thời gian, địa điểm, đối tượng, hành vi vi phạm và còn thời hiệu xử phạt; cơ quan tiếp nhận có thể thực hiện giám định thông tin trong trường hợp cần thiết. Hay như việc tổ chức, cá nhân phải có tên, họ tên, địa chỉ rõ ràng, số điện thoại liên hệ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin cung cấp. Cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm bảo mật thông tin của người cung cấp thông tin…

Vẫn theo đại tá Nhật, quy trình tiếp nhận thông tin sẽ được áp dụng tối đa yếu tố công nghệ thông tin. Ngoài việc tiếp nhận qua cổng thông tin điện tử, đường dây nóng hoặc trang Facebook, Zalo… như hiện nay, Bộ Công an dự kiến xây dựng một ứng dụng (app) để thống nhất đầu mối tiếp nhận thông tin trên toàn quốc. Khi người dân gửi thông tin vào app này, cơ quan quản lý sẽ phân công cho công an các tỉnh, huyện theo thẩm quyền và địa bàn, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý diễn ra kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.