Đề xuất công khai bản kê khai tài sản người có chức vụ

18/09/2012 14:36 GMT+7

(TNO) Thẩm tra dự luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, cơ quan thẩm tra đồng tình với đề xuất của Chính phủ là trước mắt chỉ quy định công khai bản kê khai tài sản của người có chức vụ tại nơi công tác.

>> Tăng thẩm quyền cho cơ quan phòng chống tham nhũng
>> Toàn xã hội chung tay chống tham nhũng
>> Vụ nữ dược sĩ bị tấn công: BCĐ Phòng chống tham nhũng tỉnh yêu cầu xác minh
>> Bút chống tham nhũng
>> Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí
>> Bộ trưởng Công an kiến nghị áp dụng biện pháp bí mật chống tham nhũng

Đối tượng kê khai tài sản, quy định bắt buộc công khai tài sản ở phạm vi mức độ nào là một trong những nội dung sửa đổi của luật Phòng chống tham nhũng lần này.

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự luật sửa đổi tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều nay 18.9, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, trong quá trình xây dựng dự luật, có hai loại ý kiến về vấn đề này.

Nhóm ý kiến thứ nhất cho rằng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có nghĩa vụ kê khai theo quy định hiện hành, đồng thời bổ sung những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên.

Loại ý kiến khác đề nghị cần quy định tất cả những người có chức vụ, quyền hạn theo Khoản 3, Điều 1 luật hiện hành phải kê khai tài sản, thu nhập.

Theo quan điểm của Chính phủ, đối tượng kê khai theo loại ý kiến thứ hai là quá rộng, không có tính khả thi. Qua tổng kết 5 năm triển khai luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa đi vào thực chất.

“Để khắc phục tình trạng này, trước mắt mở rộng từng bước về diện đối tượng có nghĩa vụ kê khai, nhưng quan trọng là phải có các biện pháp tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả hơn, tránh tính hình thức. Vì vậy, dự thảo luật đã thể hiện theo loại ý kiến thứ nhất”, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết.

Tương tự, về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, Tổng thanh tra Chính phủ cho hay cũng có hai loại ý kiến về phạm vi công khai. Loại thứ nhất đề nghị công khai cả nơi làm việc và cư trú, loại thứ hai đề nghị chỉ công khai nơi làm việc.

Chính phủ đề nghị “Trước mắt nên thực hiện việc công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Sau một thời gian nhất định sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả của việc công khai này rồi mới thực hiện việc công khai tại nơi cư trú”.

Mặt khác, “việc công khai tại nơi cư trú cần phải được quy định rất chặt chẽ, tránh lạm dụng vào các mục đích tiêu cực. Hiện nay, hình thức công khai bản kê khai tại nơi cư trú đã áp dụng trong một số trường hợp như ứng cử, đề cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân. Do đó, việc quy định công khai bản kê khai tại nơi cư trú đòi hỏi phải có thời gian để tổng kết và rút kinh nghiệm thực tiễn của việc công khai tại nơi công tác. Vì vậy, dự thảo luật đã thể hiện theo ý kiến thứ nhất”, cơ quan soạn thảo lý giải cho đề xuất của mình.

Qua thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với tính hợp pháp về tài sản, thu nhập của mình, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức hữu quan phát hiện hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, cách thức kê khai tài sản theo luật hiện hành còn nặng về hình thức, dẫn tới hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.

Để khắc phục hạn chế, bất cập này, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cụ thể những nội dung liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, như việc cơ quan có thẩm quyền xác minh, ra kết luận; trách nhiệm của người kê khai; phạm vi sử dụng kết luận xác minh; cơ chế giải trình; trình tự, thủ tục, thời gian, mối quan hệ phối hợp trong việc xác minh; khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong việc kê khai, xác minh…

Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, qua phân tích, Ủy ban Tư pháp đồng tình với đề xuất của Chính phủ là chỉ công khai tại nơi công tác.

Theo Ủy ban này, căn cơ về lâu dài Nhà nước ta phải sớm có kế hoạch, phương án cụ thể trong việc ban hành các quy định để kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi đối tượng trong xã hội, có như vậy mới bảo đảm cho việc kê khai tài sản, thu nhập thực sự phát huy được tác dụng trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện tham nhũng.

Tại phiên họp chiều nay, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về nội dung sửa đổi của luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó một trong những nội dung trọng tâm là kê khai, công khai tài sản, thu nhập.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.