Đề xuất CSGT được huy động phương tiện để truy bắt người gây tai nạn bỏ chạy

01/09/2024 10:58 GMT+7

Dự thảo thông tư của Bộ Công an đề xuất trong trường hợp cấp bách, lực lượng CSGT được quyền huy động phương tiện để truy bắt người gây tai nạn giao thông nhưng bỏ chạy.

Bộ Công an đang lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT. Thông tư mới dự kiến có hiệu lực từ 1.1.2025, thay thế Thông tư 63/2020 của Bộ Công an quy định về cùng nội dung.

Đề xuất CSGT được huy động phương tiện để truy bắt người gây tai nạn bỏ chạy- Ảnh 1.

Bộ Công an lấy ý kiến đối với dự thảo thông tư quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của CSGT (ảnh minh họa)

Ảnh: Hoàng Tuân

Truy tìm nếu người gây tai nạn bỏ chạy

Tại dự thảo, Bộ Công an đề xuất trong trường hợp vụ tai nạn giao thông có người điều khiển phương tiện bỏ chạy, cán bộ CSGT nhận tin báo phải báo cáo lãnh đạo đơn vị tăng cường lực lượng thuộc các đơn vị trên tuyến được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tham gia phối hợp với công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông để điều tiết giao thông và truy tìm người, phương tiện bỏ chạy.

Ngoài việc tổ chức cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ hiện trường và tổ chức, hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc, CSGT phải đồng thời tìm hiểu thông tin chi tiết về đặc điểm người gây tai nạn bỏ chạy; loại phương tiện, màu sơn, biển số của phương tiện (tra cứu trên hệ thống phần mềm đăng ký, quản lý phương tiện), đặc biệt là vị trí của phương tiện, những thiệt hại về phương tiện và hướng phương tiện bỏ chạy.

Đề xuất CSGT được huy động phương tiện để truy bắt người gây tai nạn bỏ chạy

Đồng thời đối chiếu, xác định những dấu vết hình thành trong quá trình va chạm. Căn cứ đặc điểm phương tiện bỏ chạy, các dấu vết để lại trên phương tiện để tổ chức truy tìm người, phương tiện gây tai nạn, thông báo cho các đơn vị CSGT trên tuyến phối hợp truy bắt.

Dự thảo cũng nêu rõ, trong trường hợp cấp bách để đưa người bị nạn đi cấp cứu, truy bắt người phạm tội, người gây tai nạn giao thông bỏ chạy, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy hoặc nhiệm vụ khẩn cấp khác, CSGT được quyền huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức đề nghị hoặc yêu cầu.

Những nội dung trên cơ bản được Bộ Công an kế thừa theo quy định hiện hành tại Thông tư 63/2020.

Cập nhật ngay thông tin tai nạn trên cơ sở dữ liệu

Vẫn theo dự thảo của Bộ Công an, CSGT phải ghi nhận tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến, địa bàn được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm vào sổ theo dõi và cập nhật trên hệ thống Cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông.

Theo đó, trong vòng 12 giờ phải cập nhật ngay những thông tin ban đầu về vụ tai nạn vào cơ sở dữ liệu, gồm: thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn, số người chết, số người bị thương;

Trong quá trình điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn, cán bộ CSGT tiếp tục chỉnh sửa, cập nhật thêm các thông tin về phương tiện liên quan như: biển số, nhãn hiệu, số loại, số chứng nhận kiểm định, hạn kiểm định, chủ phương tiện.

Ngoài ra còn có thông tin về người điều khiển, người đi bộ và người bị nạn: họ và tên, ngày sinh, giới tính, quốc tịch, nghề nghiệp, địa chỉ, số giấy phép lái xe, thời hạn sử dụng, hạng giấy phép lái xe, tình trạng thương tật, sử dụng rượu, bia, chất ma túy, chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm…

Đối với công an cấp huyện chưa được triển khai hệ thống Cơ sở dữ liệu tai nạn giao thông phải gửi đầy đủ thông tin vụ tai nạn bằng văn bản về phòng CSGT công an cấp tỉnh để nhập vào hệ thống dữ liệu.

Khi đã nhập đầy đủ toàn bộ thông tin trong vụ tai nạn giao thông, cán bộ CSGT gửi yêu cầu duyệt hoàn thành. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, kiểm duyệt những thông tin đã nhập để duyệt hoàn thành hồ sơ vụ tai nạn hoặc không duyệt, yêu cầu cán bộ CSGT chỉnh sửa lại thông tin cho chính xác.

Người nhà nạn nhân đòi đánh tài xế gây tai nạn, xử lý thế nào?

Tại dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất hướng dẫn giải quyết đối với một số tình huống cụ thể khi điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

Một trong số này là trường hợp vụ tai nạn có thân nhân của người bị nạn hoặc những phần tử quá khích đòi yêu sách, hành hung người gây tai nạn, ngăn đường làm cản trở giao thông. Nếu ở mức độ chưa nghiêm trọng, cán bộ CSGT cần chủ động giải thích, phân hóa đối tượng, giải tán đám đông không để xảy ra phức tạp.

Nếu xảy ra các hành vi gây rối nghiêm trọng, cán bộ CSGT phải báo cáo lãnh đạo đơn vị để đề nghị chính quyền và các lực lượng khác của địa phương tăng cường hỗ trợ.

Cùng với đó là bảo vệ hiện trường, phương tiện và người điều khiển phương tiện; bảo toàn lực lượng và tiếp tục nắm tình hình phục vụ cho công tác điều tra, xác minh, giải quyết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.