Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024

14/06/2024 04:53 GMT+7

Tại phiên họp thứ 34 diễn ra ngày 13.6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng từ ngày 1.7 - 31.12.

Có còn phát huy tác dụng?

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đến nay Quốc hội (QH) đã 3 lần ban hành các nghị quyết về việc giảm 2% thuế VAT, triển khai trong các năm 2022, 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.

Nhận định chính sách này đã mang lại hiệu quả trong việc kích cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, Chính phủ đề xuất QH tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2024, đối tượng áp dụng vẫn là các nhóm hàng hóa, dịch vụ như trước.

Các lĩnh vực tiếp tục không được hạ 2% thuế VAT gồm bất động sản (BĐS), chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024- Ảnh 1.

Việc giảm thuế VAT sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh

Ngọc Thắng

Chính phủ cho biết, việc giảm 2% thuế VAT trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ khiến thu ngân sách dự kiến giảm khoảng 24.000 tỉ đồng, cả năm giảm gần 47.500 tỉ đồng. Đổi lại, chính sách sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Doanh nghiệp (DN) giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh; người dân giảm chi phí tiêu dùng…

Tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết 2024 

Thẩm tra sơ bộ đối với tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách QH hiện đang có 2 luồng quan điểm: một là ủng hộ, hai là không đồng tình.

Theo quan điểm thứ 2, chính sách giảm 2% thuế VAT đã áp dụng nhiều lần từ năm 2022 tới nay. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy tác động của chính sách này đối với chỉ tiêu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ngày càng giảm dần. Năm 2022 tăng 19,8%, 6 tháng cuối năm 2023 tăng 9,6%, đến quý 1/2024 tăng 8,2%.

Điều này cho thấy mặc dù thuế VAT được giảm, song đến nay đã không còn phát huy tác dụng kích cầu tiêu dùng do sức mua và khả năng tiêu dùng trong nước đã giảm sút đáng kể. Bối cảnh này cũng khó phát huy tác động thúc đẩy tình hình sản xuất kinh doanh của các DN.

Ngoài ra, việc tiếp tục giảm thuế VAT sau khi đại dịch đã kết thúc một thời gian là không thật phù hợp với xu thế chính sách chung. Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã và đang tăng thuế VAT nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch. Chưa kể, từ ngày 1.7 sẽ tiến hành cải cách tiền lương nên cần một nguồn lực rất lớn cho đầu tư. Do đó, tăng thu ngân sách năm 2024 và các năm sau là yêu cầu được đặt ra, để thực hiện cải cách tiền lương và các nhiệm vụ chi đầu tư, chi thiết yếu khác.

Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024- Ảnh 2.

Việc giảm thuế VAT được cho sẽ giúp kích cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh

Nhật Thịnh

Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách nhất trí với đề xuất giảm 2% thuế VAT từ 1.7 - 31.12. Dù vậy, đây là lần thứ 4 việc giảm thuế VAT được đề xuất để QH xem xét, quyết định. Thực tế này dẫn đến sự thiếu ổn định, tính dự báo và tầm nhìn của việc ban hành và thực thi chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của DN trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Dự án luật Thuế VAT (sửa đổi) đang được Chính phủ trình QH xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Vì vậy, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo chính sách, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chấm dứt việc giảm thuế VAT như trong tờ trình lần này, không kéo dài thêm nữa.

Vẫn còn dư địa phục hồi

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh bày tỏ sự đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ. Đề cập luồng ý kiến thứ 2 của cơ quan thẩm tra và những số liệu được cho là tăng trưởng không cao, bà Thanh nhận định "vẫn còn dư địa để duy trì được xu hướng phục hồi".

Theo bà Thanh, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, còn rất nhiều khó khăn, vì thế việc tiếp tục giảm thuế VAT sẽ tạo động lực cho người tiêu dùng chi tiêu, các đối tượng nộp thuế cũng có động lực để phát triển sản xuất, góp phần tăng thu ngân sách. Những băn khoăn của cơ quan thẩm tra là có cơ sở, nhưng "chắc chắn Chính phủ đã cân nhắc đến việc này", vì thế chỉ đề nghị kéo dài thêm 6 tháng cuối năm của năm 2024 chứ không thực hiện trong dài hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng cũng ủng hộ đề xuất của Chính phủ, nhưng cho rằng báo cáo thẩm tra sơ bộ hiện đang thể hiện 2 luồng quan điểm trái ngược nhau, trong khi Ủy ban Tài chính - ngân sách QH lại chưa bày tỏ rõ quan điểm của mình. Ông Tùng đề nghị trong báo cáo chính thức tới đây, cơ quan thẩm tra phải có chính kiến sao cho phù hợp và thuận lợi cho việc thông qua chính sách.

Đề xuất giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2024- Ảnh 3.

Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên họp 34 của Ủy ban Thường vụ QH

GIA HÂN

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho hay, nội dung giảm thuế VAT đã được Bộ Chính trị đồng ý về mặt chủ trương. Ông đề nghị Chính phủ có tờ trình, Ủy ban Tài chính - ngân sách có báo cáo thẩm tra, Tổng thư ký QH có công văn đề nghị đại biểu thảo luận ở tổ, sau đó sẽ tổng hợp và đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp. "Việc này hầu như các đại biểu QH đều đồng tình rất cao, nói chung Thường vụ QH rất đồng tình", Chủ tịch QH nói.

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải cho hay, Ủy ban Thường vụ QH thống nhất sẽ trình QH xem xét, quyết định giảm thuế VAT theo tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ cần rút kinh nghiệm không trình QH các nội dung thuộc thẩm quyền QH trong kỳ họp không đúng quy định, dẫn tới phải điều chỉnh chương trình kỳ họp, các cơ quan của QH có rất ít thời gian nghiên cứu, thẩm tra.

Đối với các vấn đề quan trọng, Chính phủ cần chủ động nghiên cứu và kịp thời gửi hồ sơ, tờ trình cho QH, các cơ quan của QH đúng thời gian luật định. Đồng thời rút kinh nghiệm trong việc dự báo tình hình phản ứng chính sách, không để xảy ra tình trạng một chính sách nhưng nhiều lần trình QH cho phép gia hạn áp dụng như việc giảm thuế VAT thời gian qua.

Luật Đất đai có hiệu lực sớm: Không để khoảng trống pháp lý, trục lợi chính sách

Chiều 13.6, Ủy ban Thường vụ QH thống nhất trình QH xem xét, quyết định luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS, luật Các tổ chức tín dụng, tại kỳ họp 7 theo quy trình 1 kỳ họp.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2024. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại luật Đất đai cho phép có hiệu lực từ 1.1.2025. Còn luật Các tổ chức tín dụng có khoản 3 điều 200 và khoản 15 điều 210 có hiệu lực từ 1.1.2025 (toàn bộ luật có hiệu lực từ 1.7), bảo đảm có hiệu lực với thời điểm có hiệu lực của luật Kinh doanh BĐS. Do vậy, khi thời điểm có hiệu lực của luật Kinh doanh BĐS thay đổi thì cần phải sửa đổi hiệu lực các khoản này để đảm bảo đồng bộ.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH đánh giá, việc sửa đổi hiệu lực sớm hơn 5 tháng đối với các luật mới được thông qua, chưa có hiệu lực, có nhiều nội dung mới, quan trọng, phức tạp, tác động lớn cần phải được cân nhắc hết sức thận trọng. Thay vào đó, dành thời gian còn lại chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả khi triển khai.

Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ QH thống nhất trình QH xem xét, quyết định dự án luật này để điều chỉnh hiệu lực luật Đất đai và các luật nói trên. Ủy ban Thường vụ QH cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn để thi hành luật từ 1.8. Cùng với đó, rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để không xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại các luật, giữa các luật và hệ thống pháp luật.

"Chính phủ cần cam kết, chịu trách nhiệm toàn diện trước QH, nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật; không tạo khoảng trống pháp luật, pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm", ông Hải nêu rõ.

Cũng trong chiều 13.6, Ủy ban Thường vụ QH bế mạc phiên họp 34 sau 3 ngày làm việc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.