Học viện Hành chính Quốc gia là "cơ sở duy nhất có năng lực"...
Như Thanh Niên đã đưa tin về việc Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý về đề án thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Theo đó, người muốn vào công chức có thể tham gia kỳ kiểm định tập trung mỗi năm được tổ chức 2 lần, và sẽ được cấp giấy chứng nhận có hiệu lực trong vòng 1 năm để xét tuyển.
Việc "thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức" được đề xuất giao cho Học viện Hành chính Quốc gia - cơ quan soạn thảo đề án này.
Cụ thể, theo đề án, Bộ Nội vụ đề xuất giao Học viện hành chính Quốc gia là đơn vị độc lập thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng đầu vào công chức, với các lý do:
Thứ nhất, “Học viện Hành chính Quốc gia là cơ sở có đầy đủ năng lực để thực hiện đúng đắn và chính xác kiểm định chất lượng đầu vào công chức”.
Tại nội dung này, đề án dẫn quyết định của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ của Học viện Hành chính Quốc gia, và cho rằng Học viện “đã được đặt lên vị trí hàng đầu trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng công chức và tư vấn trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước”.
Trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Học viện đã hình thành được đội ngũ giảng viên, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đông đảo, được đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước và có chuyên môn sâu về quản lý công. Học viện hiện nay có 1 giáo sư, 26 phó giáo sư, 106 tiến sĩ, chiếm 20% trên tổng số công chức, viên chức và người lao động toàn học viện.
Học viện đã có những đóng góp chủ yếu cho việc xây dựng các chương trình bồi dưỡng thích ứng với những thay đổi của nền hành chính nhà nước theo hướng kiến tạo và phục vụ, phù hợp với xu thế chung của cải cách hành chính nhà nước trên thế giới.
“Những kinh nghiệm về giảng dạy và nghiên cứu và những kết quả đóng góp vào thực tiễn cho thấy rằng, Học viện là cơ sở duy nhất có năng lực thực hiện một cách đúng đắn và chính xác việc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức các cơ quan hành chính nhà nước ở nước ta”, nội dung đề án nêu.
Kiểm định tại Học viện Hành chính sẽ đảm bảo tính khách quan
Thứ hai, Học viện Hành chính Quốc gia "có đủ điều kiện cơ sở vật chất cơ bản, quan trọng để phục vụ kiểm định chất lượng đầu vào công chức cho toàn hệ thống các cơ quan nhà nước”.
Minh họa cho luận điểm này, nội dung đề án dẫn chiếu: ngoài trụ sở chính tại Hà Nội, Học viện có 3 phân viện tại Huế, Buôn Ma Thuột và TP.HCM. Trụ sở và các phân viện đều đã và đang được đầu tư theo hướng hiện đại. Vì vậy, việc giao cho Học viện thực hiện kiểm định chất lượng công chức sẽ đảm bảo việc tổ chức kiểm định được thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương, giảm được chi phí xã hội.
Do Học viện Hành chính Quốc gia đã có sẵn cơ sở vật chất tại 4 TP như đã đề cập, đề án của Bộ Nội vụ cũng đề xuất việc kiểm định tập trung sẽ được đặt ở Hà Nội, Huế, Buôn Ma Thuột, TP.HCM, thay vì các TP lớn khác (ví dụ Đà Nẵng) như thường thấy.
Thứ ba, việc thực hiện kiểm định chất lượng công chức tại Học viện Hành chính Quốc gia sẽ đảm bảo tính khách quan trong đánh giá chất lượng công chức.
Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức. Việc giao cho Học viện Hành chính Quốc gia thuộc Bộ Nội vụ một mặt đảm bảo sự phân định giữa chức năng quản lý nhà nước và thực hiện dịch vụ sự nghiệp về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, mặt khác đảm bảo tính trách nhiệm của Học viện trước Bộ Nội vụ.
Thứ tư, việc thực hiện kiểm định chất lượng công chức tại Học viện Hành chính Quốc gia là giao thêm nhiệm vụ cho một đơn vị sự nghiệp công lập nên không làm tăng thêm đầu mối trong cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ và cũng không làm tăng thêm biên chế.
Sẽ giảm chi phí?
Tại phần đánh giá tác động, theo đề án, việc thực hiện thống nhất kiểm định chất lượng đầu vào công chức thay vì mỗi bộ, ngành, địa phương tự tổ chức thi tuyển sẽ tiết kiệm được chi phí cho công tác tuyển dụng từ ngân sách nhà nước, vì “quy luật lợi thế kinh tế quy mô, quy mô càng lớn, chi phí và giá thành trên một đơn vị sản phẩm càng giảm”.
Các chi phí giảm bao gồm chi phí về tiếp nhận hồ sơ, xây dựng ngân hàng câu hỏi, tổ chức coi thi, chấm thi, chi phí của hội đồng thi tuyển. Khắc phục được tình trạng các cơ quan, đơn vị có số lượng tuyển dụng công chức ít, số lượng thí sinh dự thi nhỏ, lệ phí dự thi không thể bù đắp được nếu tự tổ chức kiểm định vòng 1.
Đề án cũng cho rằng, cơ quan tuyển dụng công chức có thể thụ hưởng các lợi ích như, nguồn tuyển lớn từ nguồn thí sinh đạt điều kiện kiểm định thay vì giới hạn từ các thí sinh nộp hồ sơ trong mỗi đợt tuyển dụng. Cơ quan tuyển dụng công chức có điều kiện lựa chọn những thí sinh có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất trở thành công chức; giảm chi phí tổ chức tuyển dụng, rút ngắn thời gian tuyển dụng...
Mặt khác, theo đề án, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức sẽ giảm chi phí cho việc tổ chức vòng 2 kỳ thi. Sự sàng lọc vòng kiểm định sẽ giảm số lượng thí sinh dự thi vòng 2 (đối với cơ quan, đơn vị kiểm định theo hình thức đặt hàng). Do đó, xét về tổng thể, các giải pháp này không những không phát sinh thêm chi phí mà còn có thể tiết kiệm được ngân sách nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, nội dung đề án nêu “cơ bản không tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp về mặt kinh tế”. Còn đối với các thí sinh dự thi, việc thi tuyển công chức tập trung có thể phát sinh thêm chi phí đi lại, ăn ở cho các thí sinh. Tuy nhiên, vấn đề này được giảm thiểu đáng kể theo hướng tổ chức thành các cụm thi tại 4 cơ sở của Học viện Hành chính Quốc gia hoặc tại chính cơ quan, địa phương đáp ứng đủ điều kiện thực hiện hoạt động kiểm định.
Tuy nhiên, ngoài các nhận định định tính như trên, đề án không đưa ra được một con số nào để minh họa cho các quan điểm được đưa ra.
"Nếu cả hệ thống chính trị không vào cuộc..."
Về mặt xã hội, những người dự thảo đề án cho rằng, đề án sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, đảm bảo yêu cầu về tính chuẩn hóa, tính chuyên nghiệp; tính khách quan, công bằng, nghiêm túc; tính công khai, tính chính xác; góp phần củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp về hệ thống công vụ; người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng từ một nền hành chính hiệu quả, chuyên nghiệp các dịch vụ hành chính công có chất lượng cao hơn, kịp thời hơn.
Về tác động không mong muốn, “đề án cơ bản không có tác động tiêu cực đối với người dân, xã hội”, tuy nhiên, "nếu cả hệ thống chính trị không vào cuộc, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không nhận thức đầy đủ, sẽ nảy sinh tâm lý, ý kiến cho rằng đề án làm giảm vai trò của các cơ quan, đơn vị trong quá trình tuyển dụng công chức”.
Bình luận (0)