Theo Cục Hàng không, một số quốc gia đã áp dụng các chính sách liên quan đến hộ chiếu vắc xin:
Hộ chiếu vắc xin của Trung Quốc được cấp cả dưới dạng bản cứng và bản điện tử. Chứng chỉ sức khỏe này thể hiện rõ tên, hộ chiếu, thông tin về kết quả xét nghiệm axit nucleic cũng như thời gian, loại vắc xin, tên vắc xin và bệnh viện đã tiêm. Hộ chiếu này sẽ hiển thị trên mã quét điện tử của mạng xã hội Wechat của Trung Quốc. Giấy chứng nhận có sẵn mẫu giấy như là một “hộ chiếu vắc xin”.
Chứng chỉ này áp dụng trong nước và chưa có tính bắt buộc. Công dân Trung Quốc có thể đăng ký xin cấp giấy chứng nhận này qua một chương trình trên WeChat được ra mắt ngay 8.3.
Mã quét QR của mỗi người cũng sẽ cho phép nước ngoài quét để biết thông tin cụ thể về tình trạng sức khỏe của du khách Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã sẵn sàng thảo luận với các quốc gia khác về việc thiết lập một cơ chế công nhận “hộ chiếu vắc xin” của nhau.
Hộ chiếu vắc xin tại Hungary: thông tin về hộ chiếu vắc xin sẽ được lưu trữ tại National eHealth Infrastructure (EESZT) và được trích xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Giấy chứng nhận miễn dịch sẽ được cung cấp cho tất cả những người đã khỏi bệnh hoặc được tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19. Giấy chứng nhận sẽ không có thời hạn sử dụng vì hiện chưa rõ thông tin về thời gian miễn dịch sau tiêm chủng.
Giấy chứng nhận tiêm chủng thông minh của Malaysia: sẽ cấp giấy chứng nhận tiêm chủng thông minh cho những ai đã được tiêm vắc xin.
Theo Cục Hàng không, hiện nay các loại vắc xin ngừa Covid-19 vẫn đang tiếp tục cần được theo dõi và đánh giá tính hiệu quả trên cơ thể người, vẫn có rất nhiều trường hợp vẫn có thể tái nhiễm sau khi tiêm; chưa đánh giá được tính phòng vệ ngay lập tức.
Để hộ chiếu vắc xin có thể ứng dụng khi hành khách đi lại qua biên giới, cần có sự công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia, cũng như liên kết hệ thống. Để liên kết hệ thống đòi hỏi phải có sự thống nhất về ngôn ngữ, dữ liệu cũng như các quy định về bảo mật thông tin.
Hiện Việt Nam chưa có quy định pháp lý liên quan đến vắc xin, cũng như các thoả thuận liên quan giữa cấp Chính phủ, bộ ngành về quy định vắc xin với khách xuất nhập cảnh.
Dù vậy, trong bối cảnh thị trường hàng không đang gặp ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, việc mở lại thị trường quốc tế là nhu cầu cấp bách. Vì vậy, Cục Hàng không kiến nghị khách có hộ chiếu vắc xin và xét nghiệm PCR âm tính sẽ được nhập cảnh tại Việt Nam và giảm tối đa thời gian cách ly.
Cục Hàng không cũng kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ đồng ý cơ chế triển khai hộ chiếu vắc xin để đẩy nhanh việc mở cửa đường bay quốc tế trở lại.
Một số công cụ chứng nhận được số hóa hiện nay:
- IATA Travel Pass của Hiệp hội vận tải hang không Quốc tế (IATA)
- Common Pass - Diễn đàn Kinh tế thế giới và Common Project, một tổ chức phi lợi nhuận Thụy Sỹ.
- Ứng dụng Thẻ thông hành y tế số (Digital Health Pass) - Tập đoàn IBM
|
Bình luận (0)