Đề xuất không cho bán thuốc kê đơn trên mạng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/08/2024 18:02 GMT+7

Phó trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà đề nghị trên mạng chỉ cho phép bán thuốc không kê đơn, còn với các loại thuốc kê đơn thì không cho bán qua mạng, dù là bán buôn hay bán lẻ.

Chiều 29.8, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Dược. Một trong các vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau là việc bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử.

Đề xuất không cho bán thuốc kê đơn trên mạng- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến tại hội nghị

ẢNH: GIA HÂN

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật quy định thuốc bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải là thuốc không kê đơn là "đúng, nhưng chưa đủ".

Ông Trí phân tích, việc khám, chữa bệnh từ xa đang dần phát triển, nên việc kê đơn tất nhiên phải là kê đơn điện tử, bệnh án điện tử và phải đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh qua phương thức thương mại điện tử. "Hầu hết các loại thuốc này đều là thuốc kê đơn", ông Trí nêu, và đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc có thêm quy định cho phép bán thuốc qua mạng cho những trường hợp thực hiện khám, chữa bệnh từ xa.

Theo đại biểu TP.Hà Nội, có thể bổ sung 2 điều kiện khi cho phép bán thuốc kê đơn qua mạng trong trường hợp này. Thứ nhất là thuốc phải do một nhà thuốc uy tín, được cho phép. Thứ hai, người giao hàng là người có đăng ký và nhà thuốc có danh sách để quản lý.

"Việc khám, chữa bệnh từ xa, kê đơn từ xa để đưa thuốc đến nhà người bệnh là việc không ngăn chặn được, sớm, muộn cũng sẽ xảy ra và xảy ra rất mạnh mẽ", ông Trí nêu.

Trên mạng chỉ bán thuốc không kê đơn

Phó trưởng ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP.Hà Nội) thì cho rằng, trong khi không cho phép bán lẻ thuốc kê đơn qua sàn thương mại điện tử thì lại cho phép bán buôn. Theo đó, với các cơ sở bán buôn có thể bán cả thuốc kê đơn, không kê đơn, thậm chí cả thuốc quản lý đặc biệt, nguyên liệu làm thuốc qua mạng.

Bà Hà cho rằng, quy định như vậy sẽ rất vướng mắc trong thực tiễn bởi vì kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử thì rất khó phân biệt được đâu là bán buôn, đâu là bán lẻ. Bà phân tích, theo quy định, việc bán buôn thuốc không phải là bán nhiều, bán lẻ thuốc không phải là bán ít mà bán buôn thuốc là bán cho một cơ sở có pháp nhân, còn bán lẻ thuốc là bán tới tận tay người tiêu dùng. Như vậy, cơ sở bán buôn thuốc sẽ cần phải chứng minh mình bán thuốc cho một cơ sở kinh doanh thuốc hay một công ty dược.

Đề xuất không cho bán thuốc kê đơn trên mạng- Ảnh 2.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nêu ý kiến tại hội nghị

ẢNH: GIA HÂN

"Trên môi trường thương mại điện tử thì trách nhiệm này thuộc về bên bán thuốc hay là bên sàn thương mại điện tử? Sàn thương mại điện tử lại không phải là cơ sở kinh doanh dược nên rất khó phân biệt được giữa hình thức bán buôn và bán lẻ", bà Hà nêu.

Cạnh đó, bà Hà cho rằng, việc quy định thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, nguyên liệu làm thuốc cũng rất khó phân định, nhất là trên sàn thương mại điện tử. Bởi nhiều loại thuốc thì phân loại theo nồng độ. Ví dụ acyclovir là thuốc bôi ngoài da, nếu với nồng độ dưới 5% là thuốc không kê đơn nhưng trên 5% lại là thuốc kê đơn. Vì thế rất khó phân biệt là thuốc kê đơn hay không kê đơn trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Từ đó, Phó trưởng ban Dân nguyện đề nghị với phương thức thương mại điện tử thì chỉ bán thuốc không kê đơn. Đây là nguyên tắc được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Về quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn trực tuyến về cách sử dụng thuốc cho người mua, bà Hà nhận định quy định này rất tốt song thắc mắc việc bố trí lực lượng tư vấn, hướng dẫn trực tuyến sẽ như thế nào?

"Mặc dù nội dung này giao cho Bộ Y tế quy định nhưng quan điểm của tôi là cần phải xây dựng nguyên tắc cụ thể tại luật, sau đó Bộ trưởng Y tế quy định cụ thể để tránh tình trạng mua bán thuốc tràn lan, không kiểm soát được hay tình trạng sử dụng thuốc quá liều, đặc biệt là những thuốc gây ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe người dân, trên mạng", bà Hà nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.