Đề xuất lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên phải tham gia BHTN

Thu Hằng
Thu Hằng
16/02/2023 11:18 GMT+7

Theo quy định hiện hành, người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng Bộ LĐ-TB-XH vừa đề xuất tới đây tất cả lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên đều phải tham gia.

Bộ LĐ-TB-XH vừa trình Chính phủ dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật Việc làm (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý trong lần xây dựng luật lần này là đề xuất điều chỉnh một số chính sách liên quan đến BHTN.

Đề xuất lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên phải tham gia BHTN - Ảnh 1.

Người lao động làm hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

THU HẰNG

Cụ thể, thay vì quy định hiện hành, người lao động có giao kết hợp đồng từ 3 tháng trở lên phải tham gia BHTN. Bộ LĐ-TB-XH đề xuất bổ sung quy định mở rộng đối tượng tham gia BHTN theo hướng bổ sung quy định tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên.

Ngoài đối tượng trên, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị bổ sung người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã thuộc đối tượng tham gia BHTN.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng là những đối tượng có nguy cơ thất nghiệp cao. Bên cạnh đó, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã hiện không được tham gia BHTN.

Vì vậy, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư quỹ trước các "cú sốc" như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.

Tăng nguồn thu, giảm chi phí cho quỹ BHTN

Đánh giá về tác động của đề xuất này, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, việc mở rộng đối tượng tham gia sẽ sẽ tăng nguồn thu cho quỹ BHTN thông qua việc mở rộng đối tượng bắt buộc đóng BHTN. Theo báo cáo sơ bộ, từ năm 2018 đến nay, thông qua việc thực 24 hiện chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động có giao kết hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, đã tăng thêm khoảng 20.000 người. Ngoài ra, với đối tượng người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng lương và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ làm tăng nguồn thu cho quỹ BHTN.

Đồng thời, chính sách này cũng sẽ giảm chi chế độ trợ cấp thất nghiệp do tăng cường thực hiện chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm nên người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, hạn chế nhận trợ cấp thất nghiệp.

Khi sửa đổi luật Việc làm, dự kiến số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm còn khoảng 5% số lao động tham gia BHTN mỗi năm (tương ứng mỗi năm giảm khoảng 150.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp), nếu mức hưởng bình quân là 3,2 triệu đồng/người/tháng, số tháng hưởng bình quân khoảng 4 tháng, dự kiến giảm chi từ quỹ BHTN khoảng 1.920 tỉ đồng (tương ứng khoảng 10 - 11% tổng thu BHTN mỗi năm).

Đối với người lao động, có giao kết hợp đồng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã có hưởng lương và đang tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ BHTN khi bị mất việc làm.

Tất cả người lao động tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và hỗ trợ chi phí khác (đi lại, sinh hoạt phí…) trong thời gian học nghề.

Đặc biệt, được hỗ trợ trong trường hợp gặp các "cú sốc" như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh...

Đề xuất giao Chính phủ quy định mức đóng BHTN

Về mức thu quỹ BHTN, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất sửa đổi theo hướng luật chỉ quy định mức trần và giao Chính phủ quy định mức đóng từng giai đoạn. Trên thực tế có thời điểm quỹ kết dư lớn, nếu muốn giảm mức đóng từ 1% xuống 0,5% phải xin ý kiến Quốc hội.

Theo đó, mức đóng vào quỹ sẽ được quy định như sau: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia BHTN.

Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách T.Ư bảo đảm và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động, người sử dụng lao động để đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành chính sách của Chính phủ.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, giai đoạn 2015 - 2021, số người tham gia BHTN tăng qua các năm (bình quân tăng 14,3%/năm). Đến hết năm 2022, cả nước có hơn 16 triệu lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; riêng số tham gia BHTN là 14,33 triệu, chiếm hơn 31% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.