Đề xuất nâng mức cho vay vốn tái canh cà phê trong giai đoạn tới

24/06/2022 17:19 GMT+7

Nhiều đề xuất tại hội nghị triển khai đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021-2025 ; trong đó có nâng mức cho vay vốn tái canh cà phê, giảm lãi suất nhằm giảm gánh nặng cho người dân trong thời gian tái canh đến khi thu hoạch cà phê…

Ngày 24.6, tại TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện tái canh cà phê giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng cho giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ NN-PTNT, đề án tái canh thời gian qua đã giúp tăng năng suất và sản lượng cho ngành cà phê Việt Nam, đem lại hiệu quả như trẻ hóa vườn cây cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp không còn khả năng phục hồi... Năng suất của các vườn tái canh đạt trung bình 2,8 tấn/ha, vượt 0,1 tấn/ha so với mục tiêu. Diện tích tái canh và ghép cải tạo cà phê vùng Tây nguyên từ năm 2014 - 2021 đạt hơn 170.500 ha...

Một vườn giống cà phê cung cấp cho tái canh ở TP.Buôn Ma Thuột

trung chuyên

Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 -2025 cho thấy, mục tiêu cả nước trồng tái canh khoảng 75.000 ha, ghép cải tạo 32.000 ha. Trong đó 5 tỉnh vùng Tây nguyên trồng tái canh 64.000 ha, ghép cải tạo 27.000 ha. Các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trồng tái canh 11.000 ha, ghép cải tạo 5.000 ha. Năng suất bình quân sau khi trồng tái canh và ghép cải tạo ở thời kỳ kinh doanh ổn định đạt 3,5 tấn nhân/ha, thu nhập/ha tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tái canh.

Tại hội nghị, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, phân loại, xác định diện tích cà phê già cỗi để xây dựng kế hoạch tái canh, ghép cải tạo cho từng năm sát với thực tế của địa phương. Đối với các diện tích cà phê không có tưới, đất quá dốc, tầng đất mỏng cần chuyển đổi sang cây trồng khác. Diện tích cà phê già cỗi bắt buộc phải tái canh thì cần xác rõ định diện tích có thể tái canh ngay, diện tích cần phải luân canh, kết hợp trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm theo quy trình đã được Bộ NN-PTNT ban hành.

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cũng đề xuất một số giải pháp khi triển khai đề án tái canh cà phê giai đoạn 2021 - 2025 như hoàn thiện, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về giống cà phê; hỗ trợ, khuyến khích xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững gắn với hình thành các vùng sản xuất tập trung... Đồng thời có giải pháp về cơ chế, chính sách và vốn; trong đó kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng đặc thù cho tái canh cà phê, nâng mức cho vay vốn tái canh cà phê, giảm lãi suất phù hợp với thực tế nhằm giảm gánh nặng cho người dân trong thời gian tái canh cho đến khi thu hoạch cà phê…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.