Ngày 8.4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Hội thảo do bà Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, chủ trì.
Cần làm rõ thêm hành vi bạo lực gia đình
Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Sĩ Nhân, Chánh văn phòng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tại TP.HCM, cho rằng dự thảo luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đã bổ sung thêm hành vi của bạo lực gia đình phù hợp theo tình hình thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa làm rõ khái niệm, biểu hiện, tính chất và mức độ của các hành vi này, để trong công tác tuyên truyền, người dân có thể nhận thức đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Toàn cảnh hội thảo góp ý luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) |
SONG MAI |
“Trong dự thảo, tại điểm p, khoản 1, Điều 4 Hành vi bạo lực gia đình, có quy định về hành vi bạo lực gia đình là kiểm soát tài sản, thu nhập của các thành viên trong gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc tài chính. Vậy trường hợp, người chồng đi làm, đưa tiền cho vợ, khi đi chơi phải xin tiền vợ thì có phải bạo lực gia đình hay không?”, ông Nhân nêu ý kiến.
Theo ông Nhân, tại điểm q, khoản 1, Điều 4 Hành vi bạo lực gia đình có quy định, hành vi bạo lực gia đình là cưỡng ép thành viên gia đình lao động, học tập quá sức hoặc ra khỏi chỗ ở trái pháp luật. Như trường hợp cha mẹ đặt kỳ vọng con cái, bắt ép học hành đến 2 - 3 giờ sáng, tạo áp lực tinh thần dẫn đến câu chuyện tự tử. Như vậy, việc cha, mẹ bắt ép con cái học tập ở mức độ nào là bạo lực gia đình?
"Chúng ta phải làm rõ thế nào là 1 hành vi vi phạm, vì hiện nay, có nhiều người không nhận ra hành vi của họ là bạo lực gia đình. Họ có quan điểm, phải có hành vi tác động đến thể xác thì mới gọi là bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trong luật hiện nay, có nhiều hành vi tác động đến tinh thần cũng là bạo lực gia đình”, ông Nhân nói.
Cần có nơi cách ly người có hành vi bạo lực gia đình
Tại hội thảo, bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM cho rằng, tại mục 3, chương 2 về góp ý, phê bình và hỗ trợ phòng ngừa bạo lực gia đình, chỉ giải quyết bạo lực gia đình đã xảy ra, như: góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực; các biện pháp hỗ trợ phòng ngừa gồm giáo dục chuyển đổi hành vi…, chưa có biện pháp để phòng ngừa bạo lực gia đình.
Bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án TAND TP.HCM phát biểu tại hội thảo |
SONG MAI |
“Tôi nhận thấy cần phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đoàn thể. Thay vì phát hiện, xử lý người đã thực hiện hành vi bạo lực gia đình, nên chọn lựa những đối tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực gia đình để cho xem chế tài, hậu quả của hành vi bạo lực gia đình gây ra nhằm giáo dục, răn đe. Chúng ta phải ngăn chặn kịp thời, tránh việc để đến khi hậu quả xảy ra mới xử lý”, bà Thúy nói.
Cũng theo bà Thúy, người phụ nữ khi bị bạo hành sẽ được bảo vệ và ở tại nhà tạm lánh. Nhưng đối với người có hành vi bạo lực gia đình, cần phải có chế tài, nên phải có biện pháp như quản thúc tại nhà, có sự theo dõi của tổ trưởng dân phố.
Còn theo bà Trần Hải Yến, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM, luật hiện hành cũng chưa nêu rõ, ai là người phải ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình. Trong khi đó, hầu hết các vụ bạo lực gia đình, người ra đi ra khỏi nhà là người bị bạo lực, đa số là phụ nữ. Bà Yến cũng đề nghị cần quy định rõ, người ra khỏi nhà khi có bạo lực gia đình xảy ra là người có hành vi bạo lực gia đình.
"Như vậy, chúng ta phải quy định có thêm cơ sở đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến đó. Như người bị bạo lực gia đình thì đưa đến cơ sở tạm lánh, vậy người có hành vi bạo lực thì chúng ta đưa vào cơ sở cách ly, mới mang tính răn đe. Đồng thời, ngoài việc bố trí kinh phí, trang thiết bị, thuốc men, sinh hoạt phí tại cơ sở tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình trong quá trình ở đây, cần phải có thêm kinh phí bố trí các cơ sở cách ly cho người có hành vi bạo lực gia đình", bà Yến phát biểu.
So với luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành, dự thảo luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), gồm 6 chương, 62 điều. Trong đó, bổ sung 42 điều trong luật hiện hành, xây dựng mới hoàn toàn 17 điều, bỏ 3 điều.
Bình luận (0)