Đề xuất Vietjet và Bamboo được vay lãi suất ưu đãi 15.000 tỉ đồng

Mai Hà
Mai Hà
22/03/2021 17:13 GMT+7

Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VBA) vừa có văn bản gửi Bộ KH-ĐT đề nghị hỗ trợ tín dụng cho Vietjet 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021 - 2023 và Bamboo Airways vay lãi suất ưu đãi 5.000 tỉ đồng, vay dài hạn 5.000 tỉ đồng.

Theo VBA, ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020 đại dịch Covid-19 khiến sản lượng hàng không toàn cầu giảm 66%, các hãng hàng không thế giới bị lỗ 128 tỉ USD (so với mức lãi năm 2019 là 29 tỉ USD).
IATA cũng dự báo sản lượng hành khách năm 2021 sẽ chỉ đạt 33% (so với năm 2019) và tổng mức lỗ dự kiến 95 tỉ USD. Dự kiến phải đến năm 2022 các hãng hàng không mới hết lỗ.
Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng nhận định 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng ghế cung ứng của ngành hàng không giảm từ 42 - 47%, sản lượng khách vận chuyển giảm từ 47 - 57% và doanh thu sẽ giảm từ 156 đến 181 tỉ USD so với năm 2019. Thực trạng trên ảnh hưởng bất lợi tới tình hình tài chính của hàng không toàn cầu. Năm 2021, các hãng hàng không sẽ phải gánh khoản nợ trên 220 tỉ USD và tiếp tục âm tiền mặt.
Theo IATA, năm 2021, các hãng hàng không trên thế giới cần chính phủ hỗ trợ khoảng 70 - 80 tỉ USD để vượt qua khủng hoảng.
Ở Việt Nam, ngành hàng không đã chịu tác động rất lớn từ 3 đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỉ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỉ đồng so với năm 2019.
Hiện, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, vận chuyển chuyên gia và vận chuyển hàng hóa. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so cùng kỳ 2019. Thị trường hàng không nội địa cũng đã giảm sút nghiêm trọng, doanh thu dịp cao điểm tết của các hãng cũng giảm bình quân 70 - 80% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, hàng không vẫn lỗ trên 15.000 tỉ đồng

Trong bối cảnh hoạt động bay bị thu hẹp, các doanh nghiệp dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không… đều bị ảnh hưởng bất lợi, giảm sút cả về doanh thu lẫn sản lượng từ tháng 3.2020.
Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỉ đồng từ vận tải hàng không. Đặc biệt, do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp tết cổ truyền.
Để hỗ trợ các hãng, VBA đề xuất mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp hàng không. Các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không đã một số lần kiến nghị Chính phủ cho áp dụng cơ chế để hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với ngành hàng không trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh Covid19.
Hiện Vietnam Airlines đã được hỗ trợ và khoản tín dụng này đã có tác động tốt tới hoạt động của doanh nghiệp. “Đề nghị Chính phủ tiếp tục cho mở rộng hình thức hỗ trợ này cho các hãng hàng không. Trong đó có VietJet đề nghị được vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021 - 2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỉ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ…”, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch VBA đề nghị.
VBA đề nghị tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900 - 1.000 đồng/ lít. Nếu đề xuất này được chấp thuận, so với mức giảm theo quy định hiện hành, riêng Vietnam Airlines giảm chi phí thêm được khoảng 430 tỉ đồng trong năm 2021 (nếu mức thuế được giảm từ 1.4).
Đồng thời, gia hạn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng; thuế thu nhập cá nhân; thuế nhà thầu nước ngoài; tiền thuê đất cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh đến hết 31.12.2021, đồng thời, gia hạn nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu các thiết bị, vật tư đặc thù của ngành nhằm đảm bảo tuân thủ công tác bảo trì bảo dưỡng định kỳ.
Giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 10.2020 cho đến hết tháng 12.2021, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá từ tháng 10.2020 đến hết tháng 12.2021…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.