Deepfake hoàn hảo như thật xuất hiện trong 6 tháng tới?

Thu Thảo
Thu Thảo
22/09/2019 20:26 GMT+7

Hình ảnh và video được dựng từ công nghệ deepfake có thể 'thật đến mức hoàn hảo', và người bình thường có thể tiếp cận được nó trong vòng 6 tháng đến một năm tới.

Theo CNBC, đây là nhận định của Hao Li, một trong các chuyên gia tiên phong mảng deepfake. Deepfake là quá trình sử dụng máy tính và phần mềm học máy để thao túng video hoặc các phần trình diễn kỹ thuật số nhằm giúp chúng trông như thật ngay cả khi là giả mạo.
Li, phó giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Nam California, cho hay: "Hiện rất dễ để nhận ra video giả mạo, bạn có thể nhận thấy bằng mắt thường các video dựng từ deepfake. Song cũng có nhiều ví dụ thực sự rất thuyết phục". Chuyên gia này cho biết thêm các video rất thuyết phục kể trên cần nhiều nỗ lực để dựng.
Sự phát triển của công nghệ deepfake làm nảy sinh mối lo ngại về việc video giả mạo gây nhầm lẫn hoặc truyền bá thông tin sai lệch, đặc biệt là trong bối cảnh phức tạp của chính trị toàn cầu. Thông tin giả mạo, sai lệch trực tuyến thông qua nhiều chiến dịch mạng xã hội và ứng dụng như WhastsApp đã và đang tác động đến không ít cuộc bầu cử trên thế giới.
Ông Li trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC sau khi xuất hiện tại Viện Công nghệ Massachusetts hồi đầu tuần này. Tại đây, ông cho biết deepfake hoàn hảo sẽ xuất hiện trong vòng hai đến ba năm tới. Khi được hỏi vì sao lại thay đổi dự báo, ông cho hay nhiều trọng tâm nghiên cứu phát triển và tiến bộ gần đây, đặc biệt là ứng dụng Zao khá nổi tiếng tại Trung Quốc chính là lý do khiến ông cho rằng deepfake hoàn hảo sẽ xuất hiện sớm hơn.
"Nhìn dưới một số góc độ thì chúng ta đã biết cách thực hiện nó. Vấn đề bây giờ chỉ còn là đào tạo với nhiều dữ liệu hơn và thực hiện nó. Chúng ta sẽ sớm đến lúc không còn cách nào để phát hiện ra deepfake nữa, vì vậy chúng ta phải xem xét nhiều loại giải pháp khác", ông Li chia sẻ qua email. Đây là lý do vì sao các học giả cần nghiên cứu thêm về deepfake.
Zao là ứng dụng hoán đổi khuôn mặt, cho phép người dùng chọn một bức ảnh của mình rồi chèn ảnh vào nhiều chương trình truyền hình cùng phim nổi tiếng. Đây là một trong các ứng dụng phổ biến nhất của Trung Quốc dù gây không ít lo ngại về quyền riêng tư.
"Nếu bạn muốn phát hiện deepfake, bạn phải nhìn được các giới hạn. Nếu bạn cần xây dựng khung trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng phát hiện nhiều thứ cực kỳ thật, chúng phải được đào tạo bằng cách dùng những công nghệ này. Vì thế nhìn từ một số quan điểm, bạn không thể phát hiện ra những thứ đó nếu bạn không biết chúng hoạt động ra sao", ông Li nhận định.
Chuyên gia đi đầu deepfake cho rằng bản thân công nghệ không có vấn đề vì nó có nhiều lợi ích cho các ngành như thời trang và giải trí. Nó cũng có thể tăng cường mức hiệu quả của các hội nghị video. "Câu hỏi ở đây là làm thế nào để phát hiện ra các video có ý đồ xấu, muốn đánh lừa nhiều người hoặc để lại hậu quả tai hại nào đó", Li cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.