Đem rau sạch đổi lấy rác, quyết định của 'một gã điên'

07/12/2021 14:46 GMT+7

Đem rau sạch đổi lấy rác để ứng dụng vào nông nghiệp xanh, chàng trai 8X đã thành công khi giảm tối đa chi phí đầu tư và chung tay bảo vệ môi trường .

Phạm Hùng Cường (32 tuổi, Quảng Ngãi) là chủ nhân của dự án “Đổi rác lấy rau” và làm nông nghiệp xanh theo mô hình tuần hoàn. Anh tận dụng rác, vỏ rau củ, phân vật nuôi để làm thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, phần bỏ đi của cây sau thu hoạch được dùng làm thức ăn cho vật nuôi.

Anh Cường là chủ nhân của dự án đặc biệt “đổi rác lấy rau”

NVCC

Kiên trì theo đuổi nông nghiệp xanh

Năm 2015, anh Cường từ bỏ công việc ở UBND xã vì thấy không hợp với môi trường chính trị. Chọn gắn bó với nông nghiệp, anh thất bại liên tục, kèm theo là lời gièm pha từ mọi người xung quanh.

Anh ngẫm ra để giảm rủi ro thì chỉ còn cách giảm phí đầu tư. Nhìn thấy tài nguyên vô tận từ rác thải, anh quyết định “đi xin rác” để ứng dụng vào nông nghiệp. Rác ở nhà hàng, quán ăn thay vì bỏ đi, anh sẽ mở lời nhờ họ để lại.

“Tôi từng ngồi giữa trưa nắng để lựa lại từng loại rác rồi chở về. Có hôm đang chạy trên đường, rác trong túi đổ ra ngoài, thế là dừng lại để dọn vào. Lúc đó chỉ muốn vứt luôn cho rồi nhưng nghĩ lại đã cố về gần đến nhà mà bỏ thì phí công quá”, anh Hùng kể. “Cố rồi thì cố cho trót” là suy nghĩ giúp anh vực dậy mỗi khi nản lòng.

Những chuyến xe chở rác về để làm nông nghiệp xanh

NVCC

Anh Cường đem rác về, ủ bằng men vi sinh trong vòng 20 - 45 ngày để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Trong 6 tháng đầu tiên, cây trồng cằn cỗi, nhà nông khác lời ra tiếng vào bảo sao không bón phân hóa học cho nhanh.

Tuy nhiên, sau đó, cây vụt lên trong sự ngỡ ngàng của anh Cường, sâu bọ gần như không xuất hiện. Theo anh, phân hữu cơ không cho tác dụng tức thì nhưng về lâu dài lại giúp đất màu mỡ, cây cối tươi tốt và không ô nhiễm môi trường.

Bỏ việc văn phòng, anh Cường quay về chuyện đồng áng”

NVCC

Hiện tại, anh Cường vừa trồng trọt, vừa chăn nuôi. Măng tây là cây chủ đạo và trồng thêm hành tím cùng các loại rau. Bò và gà là phụ còn thỏ bách thảo là vật nuôi chính. Cứ như thế, khi thu hoạch cây nào, phần bỏ đi sẽ cho vật nuôi ăn hoặc ủ làm phân. Phân của vật nuôi được ủ để bón cho mùa vụ kế tiếp. Rau hay thịt thỏ được anh dùng làm vật phẩm trao đổi với rác xin từ nhà hàng, quán ăn.

“Làm nông nghiệp xanh không phải là ăn xổi ở thì mà phải kiên trì và đam mê, chấp nhận “lên bờ xuống ruộng” vài lần để có tinh thần thép. Nhà nông càng phải có kiến thức và hiểu quy luật về cây trồng để tìm đúng nguồn dinh dưỡng từ phân hữu cơ mà cung cấp cho nó chứ không phải là phân hóa học”, anh nói.

Gượng dậy sau bão lũ, dịch bệnh

Đợt bão năm 2020, anh Cường chỉ biết đứng nhìn vườn tược, vật nuôi bị lũ nhấn chìm. “Đó là cảnh tượng tan hoang từ vườn đến nhà, chuồng trại sập hết, thỏ chết nửa đàn. Tiền đầu tư chuồng trại là vấn đề khiến tôi lo lắng”, anh kể.

May mắn mỉm cười với người làm nông nghiệp tử tế, anh được một đơn vị hỗ trợ cho thuê lại mảnh vườn rộng 17 hecta để gây dựng lại. Những cơn bão miền Trung dạy anh biết, để giảm tối đa thiệt hại chỉ còn cách giảm tối đa chi phí đầu tư. Do đó, anh cố gắng tận dụng tài nguyên là rác.

Vườn măng tây xanh tốt được bón phân hữu cơ của anh

Thỏ bách thảo là vật nuôi chủ lực

NVCC

Ngoài ra, anh trồng đan xen cây ngắn ngày vào vườn măng tây để có cái thu hoạch sớm và vốn được xoay vòng. Mùa mưa, anh sẽ ngưng trồng cây ngắn ngày, còn vườn măng tây không để ngập nước thì cây vẫn sẽ phát triển tốt sau mưa.

Dịch Covid-19 khiến đầu ra sản phẩm của anh Cường cũng bị hạn chế. Hàng hóa không thể vận chuyển liên tỉnh, nếu được thì chi phí rất cao nên anh chỉ giao hàng trong tỉnh. Ngoài ra, dự án “đổi rác lấy rau” cũng chịu ảnh hưởng vì tình hình dịch bệnh.

Trong nỗ lực thích nghi với Covid-19, anh đẩy mạnh mua bán trên mạng xã hội. Chẳng hạn, mặt hàng thịt thỏ, măng tây… được anh đăng tải lên trang cá nhân, khách hàng sẽ đặt hàng thay vì đến xem trực tiếp như trước kia.

Hiện tại, dự án “Đổi rác lấy rau” của anh Cường đã vào vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp do CLB Sáng tạo khởi nghiệp tổ chức. Ông Phan Bửu Toàn (Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, Chủ tịch Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP.HCM, Giám khảo cuộc thi) nhận xét đây là một dự án thú vị vì vừa nêu lên ý thức bảo vệ môi trường, vừa bán được sản phẩm qua hình thức quảng bá đặc biệt này. Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, câu chuyện thu gom rác cần tính toán và đầu tư nhiều hơn để giảm sức người và đạt kết quả lớn nhất.

Theo anh Cường, làm nông nghiệp xanh thì nguồn hàng không nhiều mặc dù nhu cầu người sử dụng rất lớn. Tuy nhiên, “nông dân điên” đem rau sạch đổi lấy rác vẫn giữ sự tử tế như lời hứa ban đầu, không vì lợi nhuận mà phá hủy môi trường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.