Theo GS-TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, sau thành công của bệnh viện này với các ca ghép tế bào gốc chữa bệnh ly thượng bì bọng nước, tháng 5 vừa qua, một gia đình người Brazil đã liên hệ với bệnh viện nhờ chữa bệnh cho bé trai 3 tuổi mắc bệnh này.
Hiệu quả cao
Trước đó, một người đàn ông tên Gabriel Bontas, quốc tịch Romania, đã gửi thư nhờ chữa bệnh cho cậu con trai cũng mắc bệnh ly thượng bì bọng nước. Bệnh viện Nhi Trung ương đang xin ý kiến của Bộ Y tế về việc chữa bệnh cho các bệnh nhân này.
Như vậy, đến nay, sau Mỹ thì nước ta là quốc gia thứ 2 trên thế giới chữa trị thành công căn bệnh ly thượng bì bọng nước. Để điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh ly thượng bì bọng nước, chi phí ở Mỹ có thể lên tới hàng triệu USD, còn ở nước ta chỉ khoảng 40.000 USD.
|
Tại Bệnh viện FV (TPHCM), ông Duong Sovang (65 tuổi, công tác tại Văn phòng Chính phủ Campuchia) cho biết đã đến đây điều trị bệnh từ tháng 6-2011. Tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ Việt Nam, ông Duong Sovang đã đăng ký luôn cho cả gia đình thẻ hội viên của Bệnh viện FV để được chăm sóc sức khỏe lâu dài. Hiện mỗi tháng có hàng ngàn bệnh nhân nước ngoài đến Bệnh viện FV điều trị. Riêng bệnh nhân đến từ Campuchia, bác sĩ Jean Marcel Guillon, tổng giám đốc bệnh viện, cho biết mỗi năm có khoảng 15.000 người.
Sáng giá nhất: Điều trị vô sinh
Điều trị vô sinh, hiếm muộn đang là lĩnh vực thu hút bệnh nhân nước ngoài nhiều nhất. Riêng Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tiếp nhận trên 100 cặp vợ chồng từ Anh, Đức, Úc, Canada, Pháp... tới điều trị vô sinh. Nhiều gia đình luôn thất bại trong các cuộc điều trị vô sinh ở nhiều nước nhưng nay thành công nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam.
Tại Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), số lượng Việt kiều và người nước ngoài đến khám cũng liên tục tăng, chiếm khoảng 5%-10% trong số trên 1.300 ca hiếm muộn mà bệnh viện thực hiện mỗi năm. Tại Khoa Hiếm muộn Bệnh viện An Sinh (TPHCM), trong năm 2011 đã có 101 cặp vợ chồng từ nước ngoài đến điều trị vô sinh. Trong đó, 50% đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Kenya, Tanzania.
ThS-BS Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM, cho biết mỗi năm có khoảng 300-400 người sinh sống ở nước ngoài đến nước ta thụ tinh trong ống nghiệm. Hiện cả nước có 15 trung tâm thực hiện được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và tất cả các kỹ thuật chuyên sâu khác trong lĩnh vực này. Mỗi năm, nước ta cũng thực hiện trên 7.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và các kỹ thuật khác.
Nhiều chuyên gia điều trị vô sinh nước ta được mời giảng cho các khóa học về hỗ trợ sinh sản tại Trung Quốc, Singapore, Thái Lan. Đồng thời, nhiều đoàn bác sĩ và chuyên gia nước ngoài cũng đã đến nước ta trao đổi kinh nghiệm về thụ tinh trong ống nghiệm.
Theo các chuyên gia y tế, tuy vẫn còn nhiều tồn tại nhưng y học nước nhà hiện đã có một số lĩnh vực nổi bật được giới y khoa thế giới ghi nhận, thu hút được sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như người bệnh. Kết quả tốt mà chi phí thấp hơn 5 - 10 lần so với nhiều nước khác chính là nguyên nhân khiến ngày càng đông Việt kiều và người nước ngoài đến nước ta điều trị bệnh. |
Theo Nguyễn Thạnh / Người Lao Động
>> Thêm tin vui cho người hiếm muộn
>> Mỗi ngày có hơn 110 ca sinh ở Từ Dũ
>> Ngặt nghèo điều trị hiếm muộn- Bài 2: Luật pháp không theo kịp thực tiễn
>> Sinh con từ trữ lạnh mô tinh hoàn
>> Phân lập tinh trùng từ mô tinh hoàn
>> Hiếm muộn do dùng thuốc ngừa thai quá lâu
>> Người mang lại niềm vui cho những bà mẹ vô sinh
>> Một nỗi lo trong điều trị vô sinh
> Hàn Quốc cung cấp dịch vụ thông dịch tiếng Việt cho bệnh nhân
>> Cô gái Hàn yêu đất nước Việt Nam
>> NCCS - Một trong những nơi điều trị ung thư hàng đầu
Bình luận (0)