Đeo tai nghe khi lái xe bị phạt có... oan?

06/01/2020 05:12 GMT+7

Bên cạnh chuyện xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vẫn đang “hot”, bạn đọc những ngày qua còn tiếp tục tranh luận về quy định xử phạt người đi xe máy đeo tai nghe khi lưu thông.

Có thể nói, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, là văn bản quy phạm pháp luật “gây bão” nhất ngay từ đầu năm vì quy định những hành vi vi phạm hành chính (lỗi) rất cụ thể liên quan đến đời sống dân sinh. Bên cạnh quy định tăng mức phạt người uống rượu, bia mà lái xe đang rất “hot”, quy định phạt tiền từ 600.000 - 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi: sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính... cũng đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc (https://thanhnien.vn/gioi-tre/tranh-cai-viec-deo-tai-nghe-khi-lai-xe-bi-phat-den-1-trieu-dong-1168187.html).

“Tôi đeo tai nghe để Google chỉ đường, sao lại phạt” ?

Thế thì xe ôm công nghệ hết đường sống luôn rồi. Ý kiến này các bạn thấy sao?

Nguyễn Đạt Tuấn (TP.HCM)

Đó là một trong những ý kiến tiêu biểu của “phe” không đồng tình phạt đối với lỗi đeo tai nghe khi điều khiển xe. Theo BĐ Thanh Sơn (TP.HCM), đâu phải ai đeo tai nghe là đều nghe nhạc. “Tôi thường đeo tai nghe để nghe Google Maps chỉ đường. Nói thật, đeo tai nghe nhạc ngoài đường chẳng thưởng thức gì được, đường sá ồn ào, mở hết volume (âm lượng - PV) thì có nước điếc tai”, BĐ Thanh Sơn viết.

Vừa chạy xe máy vừa hút thuốc không thấy phạt!

My Toàn (TP.HCM)

Tương tự, BĐ Nguyễn Anh Tuấn (TP.HCM) nêu quan điểm: “Đeo tai nghe để nghe điện thoại khi cần thiết, còn tốt hơn nhiều so với việc đang chạy xe lấy điện thoại ra nghe. Chưa kịp nói gì đến chuyện gây tai nạn mà do mấy tên cướp giật điện thoại... Thế là tai nạn xảy ra”.
BĐ Nguyễn Tuấn Huy cũng “cắc cớ”: “Tôi luôn đeo tai nghe chỉ để giảm bớt tiếng ồn! Sở TN-MT (TP.HCM) cũng đã thông báo ô nhiễm tiếng ồn tại TP.HCM cao gấp nhiều lần quy định và ảnh hưởng tới sức khỏe của cộng đồng! Vậy là quy định này ảnh hưởng đến việc người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình sao?”. Trong khi đó, BĐ Trịnh Hoa (TP.HCM) viết: “Tôi nghĩ đeo tai nghe một phần do ý thức mỗi người. Con số tai nạn do đeo tai nghe rất rất nhỏ không đáng ra luật. Vì sao đeo tai nghe? Vì phần lớn khi đang di chuyển sử dụng điện thoại mất tập trung lái. Thứ hai, khi di chuyển và dừng nghe cũng khó tránh với nạn cướp giật hoành hành như bây giờ... Nếu ai nghe nhạc thì sử dụng một tai nghe để còn nghe tiếng còi xe...”!

“Vì cuộc sống an toàn, phải chấp hành luật”

Tôi thấy không những phạt thật nặng chuyện đeo tai nghe khi tham gia giao thông mà còn tịch thu luôn tai nghe và cái điện thoại.   

Hung (TP.HCM)

Tranh luận lại các ý kiến trên, BĐ Hoàng Yến (Trà Vinh) viết: “Nếu không nghe nhạc thì bạn đeo tai nghe làm gì? Vì cuộc sống an toàn bạn phải chấp hành luật. Đừng vì sở thích của bản thân mà vô tình gây tai nạn cho người khác”.
BĐ Đỗ Quân (Tiền Giang) thẳng thắn: “Không ai bắt buộc phải trả lời điện thoại khi đang lái xe hết. Nếu cuộc gọi khẩn cấp cần phải trả lời thì tìm chỗ cho phép dừng đậu an toàn là xong”; và phân tích thêm: “Tập trung nghe Google Maps có ảnh hưởng đến sự tập trung lái xe không? Vừa lái vừa nghe, tìm đường hay nghe điện thoại thì liệu có tập trung quan sát các phương tiện cùng giao thông không? Tín hiệu kèn xin vượt, tín hiệu nhường đường ưu tiên cho khẩn cấp liệu có nghe rõ không?”...
BĐ Lê Ngọc Hải (TP.HCM) cho rằng: “Phạt là đúng rồi!”. Theo BĐ này, đã lái xe thì tập trung mọi giác quan mà lái; giảm thiểu tối đa rủi ro tai nạn cho người khác. Muốn nhận cuộc gọi hay tìm đường thì dừng xe lại làm cho xong rồi hãy đi tiếp. Đừng vì tiện lợi cho bản thân mà gây ảnh hưởng đến an toàn của mọi người xung quanh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.