Đi chợ sau lệnh giãn cách xã hội ở TP.HCM: 'Chợ đông vì giãn cách thì lo lắm'

30/05/2021 17:07 GMT+7

Dù lượng người mua tăng đột biến từ trưa 30.5 sau lệnh giãn cách toàn TP.HCM từ 0 giờ 31.5 nhưng nhiều tiểu thương vẫn méo mặt bởi bởi vì "chợ đông mà không phải do dịch bệnh mới vui, chứ người dân đi mua đồ vì giãn cách thì lo lắm”.

Theo ghi nhận của Thanh Niên, đầu giờ chiều nay, 30.5, khu vực chợ Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) nhộn nhịp cảnh bán - mua. Nhiều người “đi chợ sớm” mua thực phẩm khô như gạo, mì phở gói, dầu ăn, gia vị, rau củ quả... với số lượng lớn ngay sau khi có thông báo giãn cách xã hội toàn thành phố kể từ 0 giờ ngày 31.5.
Các tiệm tạp hóa, trứng và sạp thịt, cá... đông người đứng xếp hàng dưới nắng đợi mua đồ. Nhiều gia đình đi thành cặp, người này giữ xe, người còn lại xuống xe mua cho nhanh.

Người dân Gò Vấp sẵn sàng tinh thần phong tỏa phòng dịch Covid-19

Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, chủ nhật là ngày vắng khách nhất trong tuần. Hôm nay thì khác, ít tiểu thương có thời gian để nghỉ tay hay trò chuyện. Bà Hồng (56 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) vừa đọc danh sách những món cần mua, vừa nói vội: “Cũng đúng dịp ở nhà hết thức ăn nên tôi tranh thủ đi mua ít đồ. Biết chiều nay thế nào cũng đông nhưng cũng đi mua. Tình hình dịch bệnh thế này không biết bao giờ mới kiểm soát được, thôi từ giờ hạn chế ra đường vậy”.

Sạp thịt heo đông khách dù giữa trưa

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Người đi chợ mua thực phẩm để dành ngay sau khi TP có lệnh giãn cách xã hội để phòng dịch

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Anh Nam (31 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận), chủ một sạp tạp hóa trong chợ Phú Nhuận cho biết: “Khoảng 14 giờ là khu vực buôn bán ở đây bắt đầu đông, ngày thường chỉ đông vào sáng sớm và chiều tối thôi. Khách chủ yếu tới mua mì gói, dầu ăn, nước tương, đường muối,... Nhiều người chở 2, 3 thùng mì luôn. Lâu lắm rồi mới thấy chợ nhộn nhịp như vậy”.
Bà Hoa (60 tuổi, một tiểu thương) chia sẻ: “Ngày thường chợ vắng hoe, hôm nay đông hơn hẳn. Nhưng chợ đông mà không phải do dịch bệnh mới vui, chứ người dân đi mua đồ vì giãn cách thì lo lắm”.

TP.HCM kêu gọi người dân bình tĩnh thực hiện giãn cách xã hội chống Covid-19

Chị Thuỳ Linh (20 tuổi), bán rau củ quả trong chợ, chia sẻ: “Chợ ngày chủ nhật thường vắng vẻ lắm, hôm nay đông hơi “lạ” nên có chút không quen. Bởi lẽ lâu lắm rồi mới thấy lại không khí này, chỉ mong dịch qua mau để ngày nào cũng như hôm nay”.

Các tiệm tạp hóa, cửa hàng gạo, mì tôm... đông người đứng xếp hàng

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Bên trong một cửa hàng ở Q.12, bà chủ vừa ghi đơn online vừa chốt đơn cho khách đến mua trực tiếp. Bên ngoài, nhân viên phụ khách vác mang hàng hóa ra xe

ẢNH: BẬM VÕ

Chủ tiệm tạp hóa cô Xinh (trên đường DD3 phía sau chợ An Sương, Q.12) vừa nghe điện thoại của khách quen vừa chốt đơn cho khách đứng đợi mua trực tiếp. Trong khi đó, phía ngoài liên tục có khách ghé mua. Nhân viên của tiệm phải phụ người mua hàng ràng các sản phẩm lại vì họ mua khá nhiều. Một nhân viên nói: "Bình thường thì cũng bán nhiều nhưng chủ yếu vào các buổi sáng và chiều. Nhưng hôm nay buổi trưa nắng nóng mà khách đến mua còn nhiều hơn nữa".

TP.HCM giãn cách xã hội toàn thành phố vì Covid-19, người dân phải làm gì?

Trong khi đó ở cửa hàng gạo - thức ăn chăn nuôi trước chợ ngã Ba Bầu (ngã Ba Bầu là điểm giao cắt giữa Q.12 và H.Hóc Môn), khách đến mua đông kín trước cửa hàng. Ông Chính (58 tuổi, nhân viên 10 năm của cửa hàng) cho biết thêm: "Từ trưa tới giờ, người đến mua quá đông, tôi phải liên tục làm việc".
Đa phần người dân đến mua đều cho rằng nếu có giãn cách xã hội thì càng tốt vì như vậy dịch bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi. Ông Trần Văn Quang (54 tuổi, ở ấp Đông, H.Hóc Môn, đến mua gạo) nói: "Bản thân tôi cũng không đi đâu, chỉ ở nhà nuôi gà thôi nên cũng không sợ dịch bệnh. Nếu có giãn cách xã hội để phòng dịch thì càng tốt".

Ông Chính đang phụ vác gạo ra xe cho người dân đến mua gạo tại cửa hàng sau khi có lệnh giãn cách xã hội

ẢNH: BẬM VÕ

Một cửa hàng gạo ở Q.12 đông nghẹt khách

ẢNH: BẬM VÕ

Người dân đi chợ đeo khẩu trang kín mít để phòng dịch

ẢNH: THANH KHƯƠNG

 

ẢNH: THANH KHƯƠNG

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.