Đi ngoài đường, bị cây ngã đè bất ngờ, ai bồi thường ?

13/02/2022 06:58 GMT+7

Cây xanh ngã đè người đi đường được xác định nằm trong phần đất được chủ sở hữu đã cho thuê. Bên thuê cho rằng chỉ thuê đất, không thuê cây xanh, nên cây xanh không thuộc trách nhiệm quản lý của bên thuê.

Khoảng 18 giờ 30 ngày 9.2, chị V.T.H (39 tuổi) chở theo con gái tên T. (19 tuổi) lưu thông trên đường Chu Mạnh Trinh (P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM). Khi đến trước quán cà phê M.T trên đường Chu Mạnh Trinh, cây xanh bất ngờ bật gốc đè trúng hai mẹ con chị H. khiến cả hai bị thương. Hai nạn nhân được người dân đưa đi cấp cứu ngay sau đó.

Tại hiện trường, cây xanh có đường kính khoảng 40 - 50 cm, dài hàng chục mét nằm rạp dưới đường, chắn lối đi. Chiếc xe máy của nạn nhân bị hư hỏng phần đầu. Người dân cho biết, trước khi xảy ra vụ việc thời tiết bình thường, khi nạn nhân chạy qua thì bất ngờ cây ngã đổ.

Theo thông tin của PV Thanh Niên, đến nay sức khỏe của hai mẹ con chị H. đã ổn định và đang điều trị tại một bệnh viện ở TP.Thủ Đức.

Hiện trường vụ cây ngã đổ làm hai mẹ con chị V.T.H bị thương

Trần Tiến

Không ai nhận quản lý cây xanh bị ngã !

Để tìm hiểu vụ việc, chúng tôi liên lạc Công ty cây xanh H.L - đơn vị cây xanh quản lý khu vực TP.Thủ Đức, đại diện công ty cho biết có nắm thông tin vụ việc và đã cử lực lượng xuống hỗ trợ dọn dẹp ngay sau khi sự việc xảy ra. Tuy nhiên, khi PV Thanh Niên đề cập về trách nhiệm bồi thường cho người liên quan sự cố trên, đại diện công ty cho rằng cây xanh ngã đổ này không thuộc quản lý của công ty, do khu vực xảy ra sự cố là địa bàn của công ty phụ trách nên công ty đến hỗ trợ.

“Cây phượng ngã đổ hôm xảy ra sự việc là của quán chứ không thuộc quản lý của đơn vị. Chúng tôi cũng cùng công an phường hỗ trợ xử lý khi nghe tin báo”, đại diện Công ty H.L nói.

Trưa 11.2, PV Thanh Niên đến quán cà phê M.T nơi xảy ra vụ việc. Theo quan sát của chúng tôi, phần gốc cây ngã đổ nằm trong khu vực đất kinh doanh của quán, phần thân cây được cắt chất thành từng đống nằm kế bên quán.

Đại diện quán M.T cho biết vụ việc cây phượng ngã xảy ra hôm 9.2 làm hai mẹ con chị H. nói trên bị thương nhập viện. Chúng tôi hỏi về phương án hỗ trợ cho nạn nhân thì đại diện quán cho rằng phần đất này thuê nhưng cây xanh này không thuộc quản lý của quán. “Cây này của Thành ủy (Thành ủy TP.Thủ Đức - PV), tôi thuê đất này của Thành ủy nên có gì cứ làm việc với công an và Thành ủy”, đại diện quán cà phê M.T nói thêm.

Chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường

Quan sát tại hiện trường, phần cây xanh bị bật gốc không thuộc vỉa hè công cộng mà nằm trong phần đất của quán cà phê M.T.

Theo một thẩm phán Tòa dân sự TAND TP.HCM, cây xanh thuộc cá nhân, tổ chức nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc. Nếu xảy ra rủi ro mà xác định không phải trường hợp bất khả kháng thì chủ sở hữu cây đó phải chịu trách nhiệm bồi thường liên quan. “Cây xanh không nằm trong giao dịch dân sự nên chủ sở hữu khu đất sẽ là bên chịu trách nhiệm bồi thường nếu xảy ra tranh chấp về bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản”, vị thẩm phán cho biết.

Về quy định sự kiện “bất khả kháng” để loại trừ trường hợp nạn nhân sẽ không được bồi thường dù có thiệt hại xảy ra, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay theo điều 156 BLDS, sự kiện “bất khả kháng” phải bao gồm 3 thuộc tính là: xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Phân tích trong tình huống trên, luật sư Trương Anh Tú nói cây ngã có thể là khách quan nhưng nếu lường trước được, khắc phục được thì không phải là sự kiện bất khả kháng. Cụ thể đơn vị sở hữu, quản lý có thể lường trước, khắc phục bằng cách cắt tỉa cành, gia cố chống cây... Vì vậy, cây gãy đổ không phải là sự kiện bất khả kháng.

Tương tự, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, Điều 584 bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) quy định “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, hoặc có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Đồng thời, Điều 604 BLDS cũng nêu chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.

“Đứng ở phương diện là nạn nhân, khi phát sinh thiệt hại do cây cối gây ra, nếu các bên không thỏa thuận được việc bồi thường, thì chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm đầu tiên và người bị thiệt hại có quyền khởi kiện chủ sở hữu ra tòa để yêu cầu bồi thường. Khi đó, tòa sẽ đưa bên cho thuê tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Và sẽ xác định quan hệ hợp đồng thuê giữa chủ sở hữu và bên thuê có bao gồm cây xanh, quản lý, chăm sóc cây xanh trên phần đất hay không. Từ đó, sẽ xác định bên bồi thường là chủ sở hữu hoặc bên thuê đất”, luật sư Kiều Anh Vũ phân tích.

Về mức bồi thường, luật sư Kiều Anh Vũ chia sẻ bên gây thiệt hại có nghĩa vụ bồi thường về thiệt hại tài sản bao gồm thiệt hại do tài sản bị mất; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng; thiệt hại về tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, gồm: thiệt hại tính mạng; chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe, tổn thất tinh thần...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.