Di sản đồ mã Việt Nam qua cuốn sách quý

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
05/01/2023 06:53 GMT+7

Cuốn Đồ mã Việt Nam cho thấy tài khéo và các quan niệm văn hóa trong đồ mã của Việt Nam.

Vào bảo tàng nước ngoài

TS Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ (Hà Nội), đã bỏ nhiều năm tìm hiểu các tư liệu về nghề làm đồ mã. Cộng với các tư liệu phỏng vấn sâu, tư liệu tự chụp, tư liệu từ các nguồn bảo tàng nước ngoài, bà đã hoàn thành tác phẩm Đồ mã Việt Nam, NXB Thế giới vừa ấn hành.

Kỹ thuật làm vàng mã cho thấy tài khéo của nghệ nhân

TL sách Đồ mã Việt Nam

TS Hòa cho biết trong các ghi chép của các nhà viết sử Việt Nam, thông tin về nghề làm đồ mã, nghề làm giấy rất hạn chế. Tuy nhiên, trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia lại có một số đầu hình nhân nam nữ, bằng gốm phủ men vàng hoặc xanh thời Lý (thế kỷ 11 - 13), được khai quật tại một số địa điểm thuộc kinh thành xưa là Kim Mã, Quần Ngựa, Ngọc Hà, Vĩnh Phúc, Thăng Long (Hà Nội).

Bà Hòa cũng phỏng đoán về việc chỉ còn lại đầu hình nhân này. Theo đó, có thể trải qua thời gian, cốt người thế đã bị tiêu mất, chỉ còn lại chất liệu gốm khó phân hủy. “Cho đến nay, một số nhà làm ông tiến sĩ giấy ở H.Hoài Đức (Hà Nội) hay sư ông tại một ngôi chùa ở Trảng Bàng (Tây Ninh) vẫn còn đúc mặt hình nhân bằng đất theo mô típ như mặt hình nhân nói trên. Tuy nhiên, để giảm giá thành nên mặt hình nhân sau khi nặn từ đất thì chỉ được phơi cho khô, sau đó phủ điệp hoặc sơn lên rồi vẽ mặt chứ không nung”, bà Hòa phân tích.

Về tư liệu, bà Hòa chỉ ra nhiều điểm thú vị như tư liệu ảnh cho thấy trong đám tang của vua Khải Định ngày 25.11.1925, triều đình Huế đã làm cả ngôi điện Kiến Trung và nhiều loại đồ dùng của vua như ngự liễn, long xa, tàn, kiệu… để hóa theo vua. Cũng theo chuyên gia này, các bảo tàng ở nước ngoài đã nghiên cứu về đồ mã từ rất sớm. Hiện vật đồ mã Việt Nam đang được trưng bày và có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quai Branly, Pháp (với hiện vật có niên đại đầu thế kỷ 20) và Bảo tàng Tự nhiên Mỹ (với hiện vật có niên đại trong khoảng thời gian 1990 - 2000). “Có thể thấy đồ mã đầu thế kỷ 20 được làm trau chuốt hơn đồ mã những thập niên gần đây với hàng bán đại trà”, bà Hòa cho biết.

Sách Đồ mã Việt Nam

Chứng cứ lịch sử

Trong cuốn Đồ mã Việt Nam, TS Nguyễn Thị Thu Hòa kể nhiều câu chuyện thú vị về dấu ấn lịch sử trên đồ mã. Đồ mã nhằm thay thế cho đồ thật nên có hình dạng gần tương tự đồ thật. Ở Huế, người ta còn gọi hình nhân là con ảnh, mang hàm ý đồ mã chỉ là ảnh của vật. Nếu nhà có điều kiện kinh tế thì ảnh đẹp, nếu nhà không có điều kiện bằng thì ảnh không đẹp bằng. Đó là lý do của sự khác nhau, phân cấp giữa hàng chợ và hàng đặt.

Trong sách có hình ảnh hàng mã phỏng theo chiếc xe đạp Peugeot. Theo bà Hòa, những năm 1990 - 2000, xe đạp vẫn là phương tiện chủ yếu, xe máy là xa xỉ, chỉ nhà có điều kiện mới có thể mua được. Vì vậy, nghiên cứu đồ mã, đồ thế giúp biết được ở thời kỳ đó, người dân đi lại bằng phương tiện gì, nhãn hiệu ra sao, nhà cửa được thiết kế kiến trúc như thế nào. “Điều lớn nhất khi nghiên cứu đồ mã, đồ thế là sẽ nghiên cứu được xu hướng tâm lý, tín ngưỡng, tôn giáo của người dùng”, bà Hòa cho hay.

Khuôn mặt một vị nam thần trong đồ mã

Việc nghiên cứu đồ mã cũng cho bà Hòa thấy những phần lịch sử hiện không còn quá rõ ràng. Một ví dụ là hiện ít người biết làng Đông Hồ (Bắc Ninh) chính là một làng nghề vàng mã. Hiện tại, Đông Hồ nổi tiếng với nghề tranh dân gian nhưng nghi lễ diễn ra trong lễ kỳ yên (một lễ cầu an, sung túc vào tháng 3 âm lịch) lại chỉ liên quan đến việc làm mã. Trong lễ này, các gia đình được chọn lựa để làm đồ mã đẹp dâng cúng. “Vì thế, có thể khẳng định nghề làm đồ mã có trước nghề tranh và phát triển hơn nhiều so với nghề tranh”, bà Hòa nhận định.

Đồ mã dùng trong lễ kỳ yên rất tinh xảo, thể hiện kỹ thuật cao của người tạo tác. Theo kỹ thuật cổ, sau khi lên cốt đồ mã xong, cần phất giấy mỏng, nhẹ, kín rồi mới phất lớp giấy ngoài. Bước này rất quan trọng trong việc tạo hình, giúp giấy không bị bám dính, hằn vết nan tre. Để giảm giá thành, hiện nay đồ mã một số nơi chỉ phất giấy lớp ngoài mà bỏ qua công đoạn lót. Trong lễ hội kỳ yên, có ngựa giấy được lót kỹ, mịn, đầy đặn, sống động như ngựa thật nhờ phất hơn chục lớp giấy. Đồ mã này nhờ thế chắc chắn, nếu có em bé khoảng 20 - 30 kg ngồi lên vẫn được.

Di sản phi vật thể quốc gia

Cần sử dụng có ý thức

TS Nguyễn Thị Thu Hòa đánh giá việc đốt đồ mã là một phần trong việc thực hành nghi lễ tín ngưỡng dân gian và theo Đạo giáo, pháp luật không cấm việc này. Về vấn đề hiện có nhiều ý kiến xung quanh có nên bỏ tục đốt vàng mã hay không và những hệ quả từ tục lệ này, bà Hòa nhận định: “Công dân có quyền sử dụng hoặc không sử dụng đồ mã. Nhưng việc sử dụng như thế nào lại do ý thức của mỗi người. Việc sử dụng đồ mã quá mức cũng gây nên nhiều hệ lụy đối với xã hội, đối với môi trường. Chẳng hạn như nguy cơ hỏa hoạn hay nguy cơ ô nhiễm từ việc sản xuất, đốt đồ mã và thả xuống nước”.

Bên cạnh đó, theo TS Hòa, việc làm tranh cắt giấy trong đám tang người Nùng Dín là phần lễ bắt buộc phải có. Khi gia đình có người mất, gia chủ sẽ mời nghệ nhân đến nhà làm lễ vật dâng cúng bằng tranh cắt giấy. Các bức tranh này được trang trí trên phong giấy, nhà táng. Nội dung của tranh cắt giấy là hình ảnh mô phỏng nhà cửa, đồ dùng, tiền, động vật, công cụ lao động. Nghề thủ công làm tranh cắt giấy là nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu, sáng tạo của nghệ nhân cũng như tấm lòng dành cho người đã mất. “Chính vì vậy, nghệ thuật tranh cắt giấy của người Nùng Dín (H.Mường Khương, Lào Cai) đã được Bộ VH-TT-DL cấp bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013”, bà Hòa cho hay.

Đồ mã nhà lầu

Cũng theo chuyên gia này, ngoài việc người dân sử dụng đồ mã trong tín ngưỡng, phong tục của người Việt Nam, hiện nay có một số xu hướng đồ mã mini được dùng làm đồ chơi hoặc trưng bày. Chẳng hạn quán cà phê Tứ Phủ, TP.HCM đã sử dụng tranh dân gian và đồ mã trong thiết kế nội thất của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.