Danh thiếp quảng bá du lịch
Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm đang trong giai đoạn kết nối để xin ý kiến về dự thảo đề án xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Thành phố nhiếp ảnh VN giai đoạn 2020 - 2030. Đây là phần việc mà Bộ VH-TT-DL giao Cục này trong việc phát triển công nghiệp văn hóa. Dự thảo này dự kiến sẽ được xin ý kiến chuyên gia trong hội thảo vào cuối tháng 9 tới.
Theo dự thảo, Thành phố nhiếp ảnh VN là nơi tổ chức các sự kiện, hoạt động liên quan đến ngành nhiếp ảnh như: triển lãm quốc gia quốc tế, thi ảnh, trại sáng tác, khóa học, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, hội chợ nhiếp ảnh, dịch vụ mua bán tác phẩm ảnh, thiết bị kỹ thuật phục vụ nhiếp ảnh. Hoạt động, sự kiện nhiếp ảnh tại Thành phố nhiếp ảnh VN sẽ được xây dựng kế hoạch theo chuyên đề, thay đổi hằng năm để tránh trùng lặp và phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của địa phương khi đăng cai tổ chức. Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm cũng xác định Nhiếp ảnh là danh thiếp quảng bá du lịch khi xây dựng đề án này.
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, cho biết thành phố được chọn phải đáp ứng 5 tiêu chí: Có phong cảnh, thiên nhiên tươi đẹp, có các di sản lịch sử văn hóa, văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Có tiềm năng về du lịch. Có khả năng và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa tầm quốc tế. Có khả năng về kinh phí, nhân lực để tổ chức sự kiện Thành phố nhiếp ảnh. Thuận tiện phương tiện đi lại, có sân bay hoặc gần sân bay. “Sau khi khảo sát và làm việc tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy một số điểm như Ninh Bình, Hội An, Đà Lạt, Đà Nẵng... đáp ứng được tiêu chuẩn. Cũng có một số địa phương tiềm năng khác như Sa Pa, Hạ Long, vùng có các hang động như Quảng Bình...”, ông Thành nói.
Bỏ phiếu cho thành phố nào ?
Nhiếp ảnh gia Lê Bích đã nhiều năm dự những sự kiện nhiếp ảnh quốc tế trong khu vực và trong nước. Ông cho biết, Diễn đàn nhiếp ảnh châu Á đã tổ chức các hoạt động sáng tác ở Sa Pa, Phú Quốc (Kiên Giang) và từ Đà Nẵng đi dọc con đường di sản miền Trung. Qua trao đổi cho thấy, họ không thích Phú Quốc bằng hai điểm còn lại. Đà Nẵng đặc biệt được ưa thích do có nhiều địa điểm chụp ảnh và khám phá như biển, núi Ngũ Hành Sơn, hệ thống các di sản.
Tuy nhiên, ông Lê Bích cho rằng, nếu được chọn, ông sẽ bỏ phiếu cho Sa Pa. “Tôi thiên về Sa Pa hơn, vì chất liệu nhiếp ảnh ở đó thích hơn, rất nhiều chất liệu để chụp. Tuy không có sân bay nhưng đường lên đó vô cùng thuận tiện. Khách sạn cũng quá rẻ. Phong cảnh tuyệt vời. Một nhiếp ảnh gia Mỹ từng đi với tôi lên đó. Chúng tôi đi tàu hỏa lên Lào Cai rồi đi xe buýt lên Sa Pa, ở khách sạn 20 USD/ngày. Ông ấy cứ tấm tắc không hiểu nổi sao lại đẹp thế, vào bản chụp ở A Pa Chải, Cát Cát thích thế”. Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia này cũng lo lắng về việc trung tâm thành phố đang bị quá tải du lịch và méo mó trong quy hoạch.
|
Một lựa chọn khác cũng rất tốt là Hạ Long với biển đẹp, theo ông Bích. Tuy nhiên, việc leo núi ở đây lại là một thách thức. “Khi Diễn đàn nhiếp ảnh châu Á mới đây được tổ chức, đoàn 70 người chỉ có 10 người lên được núi Bài Thơ do lo ngại vấn đề tim mạch. Thành phố đón khách rất tuyệt. Chúng tôi được sử dụng tàu chuyên dụng để tiếp cận những vùng ít người ra nhất gần cửa biển. Nếu Hòn Trống Mái ai cũng chụp được thì còn khoảng 20 hòn khác cũng đẹp như vậy nữa”, ông Bích nói.
Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm về các địa điểm chụp ảnh nổi tiếng trong khu vực. Chẳng hạn, ở Indonesia, có một điểm bảo tồn hoang dã. “Chúng tôi có thể thấy voi tắm, họ bắc cả dây thừng để trèo cây. Mỗi năm dân nhiếp ảnh đến đó 1 lần. Hoa nắp ấm ở bên đó to bằng cả cái nồi, trong khi ở VN thì bé xíu. Hoặc một thành phố tại Malaysia được gọi là Thành phố của gió. Nó có núi đẹp như Phanxipan của mình, với những mốc để leo núi, có dòng sông để bảo tồn. Tôi nghĩ nếu làm Thành phố nhiếp ảnh VN thì cũng có thể liên kết vài thành phố, sao cho người ta có thể lang thang cả tuần”, ông Bích nói.
Trần Tuấn Việt, người đang giữ kỷ lục đăng ảnh ở tạp chí và sách ảnh nổi tiếng National Geographic, lại không chọn bất cứ thành phố nào được Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm đề cử. “Hà Nội mới là lựa chọn hay nhất vì có phong cảnh vừa sông vừa núi, kiến trúc mới, di sản UNESCO. Nó còn là trung tâm chính trị văn hóa, cái gì cũng dễ tiếp cận. Nhiếp ảnh nhiều trường phái, mà ở Hà Nội, muốn chụp thể loại ảnh nào cũng có thể chụp được: ảnh đường phố, ảnh phong cảnh... Bản thân nhân lực nhiếp ảnh ở Hà Nội cũng mạnh. Liên kết vùng dễ. Phát triển thị trường ảnh cũng dễ”, ông Việt nói.
Bình luận (0)