Dịch bệnh tàn phá thể thao: Từ SARS 2003 đến Zika 2016

27/03/2020 08:27 GMT+7

Có một tình trạng lạ lùng: các loại dịch bệnh nguy hiểm bùng phát trong gần 20 năm nay dày đặc hơn một cách rõ rệt so với khoảng trăm năm trước. Và dịch bệnh đáng kể nào cũng gây ảnh hưởng lớn đến thể thao đỉnh cao.

Tranh cãi lớn đã nổ ra trước khi các ngôi sao như Rory McIlroy, Dustin Johnson, Vijay Singh (golf), Tomas Berdych, Milos Raonic, Simona Halep, Karolina Pliskova (quần vợt), Tejay Van Garderen (xe đạp)... đồng loạt rút tên khỏi Olympic 2016 tại Brazil. Tuy rốt cuộc ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh vẫn được tổ chức ổn thỏa, nhưng sự tồn tại của kỳ Olympic này quả đã có lúc bị đe dọa bởi dịch Zika.

Người đẹp trượt tuyết Mikaela Shiffrin trổ tài đàn hát trong mùa dịch Covid-19

Có nghi vấn, khi hơn chục tay golf và nửa tá ngôi sao quần vợt đồng loạt tẩy chay Olympic 2016, phải chăng họ chỉ viện cớ “sợ Zika” để không phải tham gia giải đấu mà họ vốn không mặn mà? Cho dù sự thật là như thế đi nữa, vấn đề ở đây vẫn không thay đổi: dịch Zika hồi năm 2016 đã gây ảnh hưởng đáng kể đến kỳ Olympic đầu tiên mà Brazil tổ chức. Nỗi sợ bị dính căn bệnh nguy hiểm do muỗi Aedes truyền nhiễm là có thật. Không ai có thể thống kê xem rốt cuộc đã có bao nhiêu du khách, khán giả, nhà tài trợ quay lưng với Olympic 2016, khi bệnh Zika bùng nổ ở Brazil ngay trước thềm Olympic.
Ngay trước Zika ở Brazil là dịch bệnh Ebola ở châu Phi. Trước nữa là đại dịch “cúm lợn” bùng phát năm 2009 ở Mexico và Bắc Mỹ. Giải U.17 CONCACAF tại Mexico phải chấm dứt trước vòng bán kết. Đại hội thể thao vùng Caribbean với hơn 2.000 VĐV thuộc 26 nước ở Trinidad cũng bị hủy bỏ. Trung Quốc, vừa đoạt 7/8 HCV nhảy cầu ở Olympic Bắc Kinh 2008, đã rút tên khỏi giải Grand Prix của Liên đoàn Bơi lội thế giới (FINA) ở Fort Lauderdale (Mỹ). Các giải golf hoặc đua xe lớn ở Canada, Mexico đều bị hủy bỏ. Nhiều VĐV có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút H1N1 trong giai đoạn ấy.
Hồi đầu thiên niên kỷ mới, hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) làm điêu đứng Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á nói riêng và bóng đá châu Á nói chung. Giải vô địch bóng đá nữ châu Á 2003 tại Thái Lan bị hoãn, ảnh hưởng đến việc xác định các đội dự VCK World Cup vào cuối năm ấy. Lễ bốc thăm chia bảng cho VCK cũng bị trì hoãn. Cuối cùng FIFA dời luôn giải này từ Trung Quốc sang Mỹ. Nhiều sự kiện thể thao quan trọng trong năm ấy ở Trung Quốc, Singapore, Úc cũng đã bị hoãn hoặc hủy vì SARS.

Bóng đá thời Covid-19, đến V-League cũng phải thi đấu 'cách ly'

Nói rằng dịch bệnh đã gây ảnh hưởng quá nhiều đến thể thao đỉnh cao trong thế kỷ 21 cũng đúng. Nhưng nói rằng sự phát triển mạnh mẽ của thể thao đỉnh cao đã góp phần giúp dịch bệnh bùng phát nhanh và mạnh hơn, e cũng chẳng sai. Tại giải vô địch điền kinh thế giới 2017 ở London, nhiều VĐV, gồm không ít ngôi sao được chờ đợi tranh chấp huy chương, đã bị loại khỏi chương trình thi đấu sau những cuộc kiểm tra y tế bất thường. Sở dĩ khi ấy ban tổ chức phải kiểm tra sức khỏe đột xuất là vì có hàng chục trường hợp bỗng nhiễm các bệnh về đường ruột khi đang dự giải. Một bác sĩ nhận xét: sự chung đụng giữa các VĐV chuyên nghiệp ở các sự kiện thể thao của họ có vẻ như “ẩu tả” hơn so với những nguyên tắc tiếp xúc của người bình thường trong cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.