Bệnh nhân 416 là nam, 57 tuổi, trú tại tổ 51, P.Hòa Khánh Bắc, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, không rõ nguồn lây, đồng thời có lịch sử tiếp xúc khá phức tạp. Hơn 1.000 người được xác định là đã tiếp xúc với bệnh nhân này, trong đó tiếp xúc gần (F1) là 288 người.
Sự xuất hiện của bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng khiến nhiều người nhớ tới bệnh nhân số 17 tại Hà Nội, mở đầu cho giai đoạn 2 của dịch Covid-19 tại Việt Nam. Nguy cơ dịch bệnh quay trở lại Việt Nam từ một bệnh nhân là hoàn toàn có thể.
Tất nhiên, thực tế tại Việt Nam thời gian qua cũng cho thấy, có những ca bệnh diện “mất dấu F0” song cũng không lây lan cho người tiếp xúc. Sự lây lan dịch bệnh cho những người tiếp xúc và cả tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam rất may mắn cũng không phải ở mức “khủng khiếp”. Sự bình tĩnh là cần thiết không chỉ đối với ngành y tế trong công tác xử lý mà cả với người dân.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng sau hơn 3 tháng đã cho thấy có sự chủ quan, lơ là, thậm chí là buông lỏng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương.
Chúng ta đã có 99 ngày “dễ thở”, cả xã hội quay trở lại cuộc sống thường nhật với một “trạng thái bình thường mới” khi cả nước không còn xuất hiện những ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng. Thế nhưng, điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta bước đầu đã kiểm soát được dịch bệnh, chứ hoàn toàn không có nghĩa dịch bệnh đã chấm dứt. Nhiều quốc gia vẫn đang nguy ngập do dịch bệnh.
Dịch bệnh vẫn đang ở ngoài kia. Thế giới và cả Việt Nam vẫn đang nỗ lực để sớm có vắc xin phòng dịch. Cuộc chiến vẫn còn dài. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về kết quả chống dịch của Việt Nam thời gian vừa qua. Điều đã được thế giới ghi nhận. Song, có một điều chắc chắn, chúng ta không thể chủ quan.
Chính quyền T.Ư cũng như các địa phương đang nỗ lực để thúc đẩy sản xuất, phục hồi kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh đồng thời cũng thường xuyên yêu cầu không được lơ là, mất kiểm soát, để dịch bệnh quay trở lại.
Song không được lơ là chống dịch, không được để dịch bệnh quay trở lại không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành y tế. Đó phải là nhiệm vụ của toàn xã hội.
Hãy đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên như một thói quen vệ sinh; chứ không phải biện pháp phòng chống dịch mỗi khi nghe tin ca bệnh mới. Đó là cách tốt nhất để chung tay chống lại dịch Covid-19 trong thời điểm hiện tại.
Bình luận (0)