Theo đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ lo ngại khi F1, F2 ngày càng tăng trong khi chưa biết còn bao nhiêu người âm thầm mang bệnh và lây nhiễm cho người khác. Nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây, một số chuỗi mới phát hiện chưa truy vết hết; nhiều trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng trong khi các khâu tầm soát không thể bao quát giai đoạn ủ bệnh... Ông Nên cho rằng cần thiết phải kéo dài thời gian giãn cách toàn TP tương ứng với chu kỳ lây nhiễm của chủng mới.
6 chuỗi lây nhiễm mới chưa rõ nguồn gốc
Từ ngày 2.6 đến nay, TP.HCM phát hiện 6 chuỗi lây nhiễm mới chưa rõ nguồn gốc với hơn 190 ca. Cụ thể, chung cư Ehome 3 giáp ranh Q.Bình Tân, Q.8 phát hiện 48 ca (còn nhiều ca khác liên quan); xưởng cơ khí ở H.Hóc Môn: 49 ca; chuỗi lây nhiễm tại ấp Tân Thới 2 (xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn): 10 ca; chuỗi lây nhiễm Tân Thới 3 (xã Tân Hiệp, H.Hóc Môn): 22 ca; chuỗi lây nhiễm tại đường số 11 (P.Hiệp Bình Phước, Thủ Đức): 7 ca; Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới: 55 ca. Liên quan ổ dịch tại BV Bệnh nhiệt đới, đã phát hiện 2 nhân viên Khoa Vi sinh BV Nhân dân Gia Định nhiễm Covid-19.
Tối 14.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản hướng dẫn các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/2020 của Thủ tướng, áp dụng từ 0 giờ ngày 15.6 đến hết ngày 29.6. Cụ thể, tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, BV… Nhà hàng trong khách sạn được phép hoạt động nhưng không phục vụ bia, rượu và các loại nước uống có cồn, không phục vụ cùng lúc quá 10 người
|
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), điều đáng lo ngại là có đến 48 trường hợp dương tính đến BV phát hiện bệnh thông qua khám sàng lọc. “Đó là con số người ta đến khám có triệu chứng. Còn bao nhiêu trường hợp nữa họ không đến khám vì không có triệu chứng”, ông Dũng phân tích.
Chủng Delta gây lây nhiễm mạnh
Bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng nhận xét vi rút chủng Delta lần đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM là ở Công ty Deloitte (Q.3) với 2 trường hợp, gồm một trường hợp về từ Hải Phòng và một đồng nghiệp.
Do ít lây cho các đồng nghiệp khác, nên tại thời điểm đó, các BS đã hơi ngạc nhiên vì nếu là chủng Ấn Độ thì mức độ lây lan nhanh. Đến chùm ca tại điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, ngành y tế đã xét nghiệm 7 trường hợp thì đều là vi rút chủng Delta này. Đến nay, mức độ lây lan của chủng Delta hoàn toàn khác với chủng trước đây xuất hiện tại VN cũng như TP.HCM.
Theo BS Dũng, điểm đáng chú ý của chủng này đó là 66% người nhiễm bệnh trong hội nhóm truyền giáo có triệu chứng, 3 ngày đã tạo ra chu kỳ lây. “Có thể do có triệu chứng nên lây nhanh hơn, như khi phát hiện những ca chỉ điểm ở Củ Chi và Hóc Môn, ngành y tế truy vết những người trong gia đình, hàng xóm thì đã có hàng chục trường hợp nhiễm bệnh”, BS Dũng nói và cho biết chủng Delta có thể tích nhẹ, nên chậm rơi xuống bề mặt mà lơ lửng trong không gian nên dễ lây lan hơn.
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh nhìn nhận đặc điểm lớn nhất của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch này là chủng Delta gây lây nhiễm mạnh trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc (đặc biệt là các tòa nhà văn phòng). Các ổ dịch cộng đồng lớn tại TP.HCM ghi nhận chủ yếu tại các khu nhà trọ, cụm dân cư tại các quận huyện vùng ven và khu vực nông thôn đô thị hóa. Đã ghi nhận các bệnh nhân (BN) làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), BN là nhân viên y tế, nhân viên văn phòng.
Chính vì vậy, Giám đốc Sở Y tế đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo các nội dung của Chỉ thị 15 trong 14 ngày kể từ ngày 15.6. Về lý do đề xuất, ông Bỉnh cho biết theo phân tích, mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng, việc gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan.
38 bệnh nhân Covid-19 đang rất nặng và nguy kịchTheo thông báo của Bộ Y tế, ngày 14.6, VN ghi nhận 272 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh: TP.HCM 4 ca, Tây Ninh
1 ca và Khánh Hòa 1 ca; 266 ca lây nhiễm trong nước ghi nhận tại Bắc Giang 121 ca, TP.HCM 82 ca, Hà Tĩnh 22 ca, Bắc Ninh 17 ca, Tiền Giang 14 ca, Bình Dương 4 ca, Hà Nội 4 ca, Bắc Kạn 1 ca và Nghệ An 1 ca. 236/266 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. 30 ca ghi nhận trong cộng đồng và đang được điều tra nguồn lây nhiễm. Cùng ngày, thêm 238 BN được công bố khỏi bệnh. Cả nước hiện có gần 6.000 BN đang điều trị tại 106 cơ sở y tế. Trong đó, 3.283 BN có biểu hiện lâm sàng nhẹ, 177 ca nặng phải thở ô xy và thở máy không xâm nhập, 38 ca rất nặng và nguy kịch phải thở máy xâm nhập đặt ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể), trong đó 5 ca tiên lượng tử vong cao. Đáng lưu ý, 3 ca không có bệnh nền, trở nặng rất nhanh, tiên lượng tử vong. Cũng trong ngày 14.6, thêm 2 BN Covid-19 tử vong, là các BN 8512 và 4731. Trong đó, BN 8512 (87 tuổi), địa chỉ tại TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là mẹ của BN 8231.
* Cùng ngày 14.6, BV K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) đã được dỡ bỏ phong tỏa, sau 37 ngày bị phong tỏa, cách ly để phòng, chống dịch Covid-19. Gần 1.000 chuyến xe yêu thương đã được BV sắp xếp đưa người bệnh và người nhà về quê, sau khi hoàn tất cách ly y tế và có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Liên Châu
|
Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong khoảng thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của SARS-CoV-2. Sau tuần đầu tiên sẽ đánh giá lại tình hình để đề ra biện pháp phòng chống dịch phù hợp thực tế. Trong 2 tuần gia hạn giãn cách xã hội, TP.HCM tập trung điều tra, truy vết, khoanh vùng dập dịch đối với các ổ dịch đang có dấu hiệu lây lan, kiểm soát chặt các khu vực phong tỏa và các khu cách ly; tầm soát các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 không chỉ tại BV mà còn trong cộng đồng.
Tuy nhiên, BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nhìn nhận hiện tình huống các nguồn lây gần nhưng không thân thuộc đã cắt được nhờ ngưng các dịch vụ nguy cơ. Xét các ca mắc mới ở TP.HCM hiện hầu hết là lây thân thuộc, nên sau 14 ngày giãn cách cũng không thay đổi. Do đó, muốn truy những F0 như vậy mà bung ra xét nghiệm gộp toàn bộ cũng không nổi. Cho nên, trong khu phong tỏa mới cần xét nghiệm gộp đại diện gia đình, trong gia đình ai di chuyển nhiều nhất sẽ làm gộp, như vậy sẽ ít tốn và có kết quả nhanh hơn.
“Và làm sao để F0 nghi ngờ ở khu chưa phong tỏa tiếp cận dễ dàng với xét nghiệm chẩn đoán? Ví dụ như test nhanh mở rộng ra ở các phòng khám, BV. Và lẽ đương nhiên, cùng với các biện pháp đã và đang áp dụng, thì công việc truy vết và phát hiện F0 tại BV, tăng cường biện pháp phòng bệnh thời gian qua vẫn phải duy trì”, bác sĩ Khanh nói.
Tiếp tục giãn cách xã hội thêm 2 tuần
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, sau 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, dịch bệnh vẫn phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong cộng đồng, có thể dịch bệnh đã xâm nhập vào thành phố sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và trải qua 4 - 5 chu kỳ lây nhiễm, dự báo sẽ phát hiện thông qua khám sàng lọc, xét nghiệm trên diện rộng trong thời gian tới.
Do đó, ông Phong quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên toàn thành phố thêm 2 tuần, riêng Q.Gò Vấp và P.Thạnh Lộc (Q.12) chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15. Tùy vào diễn biến của dịch bệnh và mức độ kiểm soát trong tuần tới, một số khu vực trên địa bàn TP.HCM có thể chuyển sang Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19.
Ông Phong cũng yêu cầu củng cố lại công tác truy vết, cách ly và xét nghiệm để đáp ứng kịp thời yêu cầu chống dịch; khẩn trương điều tra, lập danh sách người tiếp xúc gần (F1, F2) để lấy mẫu xét nghiệm, riêng đối với tòa nhà cao tầng, chung cư, căn hộ có ca bệnh thì tổ chức xét nghiệm toàn bộ người cư trú, làm việc tại đó. Từ thực tế ở BV Bệnh nhiệt đới, Sở Y tế đánh giá tổng thể các nguy cơ bùng phát dịch bệnh, bổ sung các phương án phòng dịch tại các cơ sở y tế, không để xảy ra trường hợp tương tự.
Bình luận (0)