Dịch giả Hán học Nguyễn Đức Vân - ông đồ Nghệ âm thầm

12/11/2022 16:36 GMT+7

91 tuổi, nhà giáo Nguyễn Thị Minh Thâm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) hoàn thành cuốn sách Cha tôi Nguyễn Đức Vân - ông đồ Nghệ âm thầm . Sách do NXB Hội Nhà văn cấp phép phát hành (2022).

Cuốn sách gồm 3 phần, tóm tắt ngắn gọn cuộc đời và sự nghiệp của dịch giả Hán học Nguyễn Đức Vân (1900 - 1974). Tuy bao quát ngắn gọn song sách cũng nêu bật được những đóng góp của cụ Vân với nền văn học Việt Nam qua các công trình đồ sộ đã xuất bản: Thơ văn Lý Trần (3 tập), Hồng lâu mộng, Hoàng Lê nhất thống chí (dịch chung với GS.TS Kiều Thu Hoạch), Thơ văn Nguyễn Xuân Ôn, Thơ văn Nguyễn Trung Ngạn, Kim Vân Kiều truyện (dịch chung với cụ Nguyễn Khắc Hanh), Tùy viên thi thoại… Ngoài ra, còn nhiều công trình khác của cụ Vân đã dịch xong nhưng chưa có điều kiện xuất bản, bản thảo còn lưu ở Viện Văn học: Thơ văn Tự Đức, Trung Quốc tư tưởng sử, Vân Nang tiểu sử, Quốc triều đình đối sách… Ngay bản dịch Tùy viên thi thoại của nhà lý luận văn học cổ Viên Mai đã được cụ Nguyễn Đức Vân dịch toàn bộ nhưng chưa được xuất bản trọn vẹn trong các lần in trước. Cụ Vân còn cùng GS Nguyễn Sĩ Lâm, PGS Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học) chú giải Truyện Kiều.

Cuốn sách Cha tôi Nguyễn Đức Vân - ông đồ Nghệ âm thầm (NXB Hội Nhà văn, 2022)

K.M.S

Dịch giả Nguyễn Ðức Vân quê làng Cẩm Trường, nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, xuất thân từ dòng họ Nguyễn Ðức là một dòng họ nổi tiếng có truyền thống yêu nước, hiếu học, có nhiều khoa bảng, giàu năng khiếu văn chương. Cha của ông là Nguyễn Ðức Công (tức Hoàng Trọng Mậu) được nhà chí sĩ Phan Bội Châu khen có tài “văn chương trác lạc”, đỗ đầu xứ (nên được gọi là Ðầu xứ Công). Nước mất, Nguyễn Đức Công bỏ chốn khoa trường, dấn thân cứu nước, trở thành một nhà cách mạng rạng danh trong phong trào Ðông Du, Việt Nam Quang phục Hội. Vua Duy Tân khi mưu khởi nghĩa (1916) lật đổ ách thống trị thực dân Pháp, đã mật phong cho Nguyễn Đức Công làm Tổng Tư lệnh nghĩa quân. Khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Đức Công bị thực dân Anh bắt giao cho thực dân Pháp đem về nước kết án xử bắn để lại vợ trẻ cùng 4 con trai thơ dại nơi quê nhà xứ Nghệ.

Nguyễn Ðức Vân từ nhỏ theo học chữ Hán và chữ Pháp nhưng rồi cha đi cứu nước bị xử bắn, mẹ bị bắt giam, anh trai cũng qua đời trong phong trào Ðội Quyên - Ðội Phấn, gia sản bị tịch thu nhiều lần nên phải nghỉ học, ở nhà làm ruộng, nhường phần học cho em út (sau này cũng trở thành một nhà báo, nhà giáo nổi danh cả nước là Nguyễn Đức Bính). Làm ruộng và tự học Hán văn, Pháp văn, Nguyễn Ðức Vân có đủ vốn tri thức sánh với những trí thức đương thời. Ông ra Hà Nội làm báo Thời vụ cùng Ngô Tất Tố.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, vài năm sau được điều lên làm ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Nghi Lộc. Cuối năm 1959, Nguyễn Đức Vân chuyển ra công tác tại bộ phận Hán Nôm của Ban Cổ cận thuộc Viện Văn học vừa được thành lập cho đến khi nghỉ hưu năm 1965.

Chính thời gian công tác tại tại tổ Hán Nôm của Viện Văn học, vốn kiến thức tự học của cụ Nguyễn Đức Vân đã được đắc dụng. Tự nhận mình là người thiểu học, khiếm học nhưng năng lực tri thức thật sự của cụ Nguyễn Đức Vân sánh ngang hàng các bậc đại khoa Hán học như Tiến sĩ Võ Khắc Triển, Phó bảng Phan Võ (thân sinh Học giả Phan Ngọc), Phó bảng Hà Văn Đại (thân sinh GS Hà Văn Mạo) và hai vị trong nhóm “Nghệ Tĩnh tứ kiệt” là Cao Xuân Huy, Ðặng Thai Mai. Học giả Cao Xuân Huy có lần chia sẻ với con rể cụ Nguyễn Đức Vân là GS.NGND Nguyễn Đình Chú: “Ông Nguyễn Đức Vân là một người tuyệt vời, chẳng bằng cấp gì mà xem ra cử, tú cũng khó bằng”.

Ghi nhận công lao đóng góp của dịch giả Nguyễn Đức Vân, trong Lời nói đầu bộ sách Thơ Văn Lý Trần - tập I, Nxb Khoa học xã hội, 1977 ghi rõ:

“Hơn 10 năm qua, kể từ sau ngày thành lập, Viện Văn học đã để ý, tìm hiểu văn học của thời đại Lý Trần. Năm 1960, tổ Hán Nôm của Viện được giao nhiệm vụ sưu tập và phiên dịch ra tiếng Việt toàn bộ thơ văn từ đời Hồ trở về trước trong các sách vở chữ Hán còn lưu trữ tại các thư viện và trong một số tài liệu bi ký còn nằm rải rác ở các đình chùa trên miền Bắc. Các đồng chí Nguyễn Ðức Vân, Ðào Phương Bình, cán bộ trong tổ đã trực tiếp tiến hành công việc đó. Nhờ nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, lại có sự giúp đỡ tận tình của những anh em khác trong tổ, nên công việc đã tiến hành tương đối thuận lợi, mỗi năm, khối lượng thơ văn tập hợp được ngày một phong phú dần. Ðến năm 1965 thì việc sưu tầm cũng như việc phiên dịch bước đầu đã hoàn thành”.

Còn GS.TSKH Bùi Văn Ba (nhà lý luận phê bình Phương Lựu) đánh giá: “Công trình dịch thuật của cụ Nguyễn Đức Vân phong phú, đa dạng, nhiều tác phẩm đồ sộ”.

Gen văn chương của dòng họ Nguyễn Đức huyện Nghi Lộc truyền nối nhiều đời. Các con của dịch giả Nguyễn Đức Vân dù mỗi người ở mỗi lĩnh vực khác nhau song cũng đều thừa hưởng được truyền thống ấy. Con trai cả là GS Nguyễn Đức Đàn (1926 - 1997) nguyên Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du (nay là Đại học Văn hóa Hà Nội). Con trai út Nguyễn Đức Ngọc tức nhà thơ Anh Ngọc công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội.

Cuốn sách cũng có những tâm tư về việc nhìn nhận, đánh giá cho đúng vai trò của dịch giả Nguyễn Đức Vân. “Với Thơ văn Lý Trần thì quả thật nhạc phụ Nguyễn Ðức Vân của tôi đã có vai trò chủ công đã cùng bác Đào Phương Bình tiến hành trong 5 năm và đã được ghi ở Lời nói đầu như thế nhưng hôm nay bộ sách 3 tập, dày 2.421 trang in khổ lớn, bao gồm 914 đơn vị văn bản này, phần cụ Vân chỉ còn 034 đơn vị rưỡi, [trong đó tập I là 09 rưỡi trên 136, tập II (Quyển thượng) là 06 trên 363, tập III là 19 trên 415]… Hiện tượng này là gì giữa cõi đời này nhỉ?” (GS.NGND Nguyễn Đình Chú. Trích trong sách Cha tôi Nguyễn Đức Vân - ông đồ Nghệ âm thầm, NXB Hội Nhà văn, 2022)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.