Ngày 19.12, thông tin từ Bộ NN-PTNT cho biết, trong năm 2019, ngành nông nghiệp nước ta chịu tác động lớn bởi dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm và lan rộng trên cả nước. Đây cũng là dịch bệnh gây thiệt hại chưa từng có đối với ngành chăn nuôi. Theo thống kê trên cả nước, số lượng lợn nhiễm dịch buộc phải tiêu hủy lên tới trên 340.000 tấn. Trong đợt dịch bệnh này, Chính phủ đã bố trí ngân sách hơn 5.000 tỉ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch.
Dù là một năm khó khăn do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, thị trường xuất khẩu nông lâm sản giảm nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm ước đạt 41,3 tỉ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỉ USD, tăng 19,3% so với năm 2018.
Bộ NN-PTNT cũng cho biết, tính chung cả năm tốc độ tăng trưởng GDP của toàn ngành nông nghiệp ở mức thấp khi chỉ đạt khoảng 2,2%. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi đã khiến GDP toàn ngành nông nghiệp giảm khoảng 1,1%.
Đến nay, ngành đã kiểm soát được dịch bệnh và duy trì chăn nuôi lợn an toàn sinh học, gia tăng sản xuất chăn nuôi gia cầm, gia súc lớn thay thế, bù đắp một phần lượng thịt lợn bị giảm.
Đối với thị trường, dịch tả lợn châu Phi khiến giá lợn hơi, thịt lợn tăng cao. Khảo sát trong ngày 19.12, giá lợn hơi tại thị trường Hà Nam cao nhất lên tới 96.000 đồng/kg. Ở các tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Phú Thụ và Hà Nội giá lợn hơi đang phổ biến ở mức 92.000 - 93.000 đồng/kg. Cũng theo dự báo, giá lợi hơi, thịt lợn còn tiếp tục gia tăng.
Trao đổi với báo chí ngày 18.12, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong hơn 2 tháng trở lại đây, nhiều địa phương đã tái đàn lợn và theo chu kỳ chăn nuôi 4 tháng/lứa, dự kiến các địa phương sẽ có lợn mới tái đàn cho thị trường dịp tết.
Bình luận (0)