Dịch vụ đòi nợ: Cần có khung pháp lý hoàn chỉnh

03/09/2019 06:38 GMT+7

Theo UBND TP.HCM, tính đến hết quý 1/2019, trên địa bàn TP.HCM có 45 doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó 42 công ty trong nước và 3 công ty có yếu tố nước ngoài.

Tuy vậy, Công an TP.HCM đến nay cũng chỉ kiểm tra đột xuất 2 lượt DN, phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền 3 triệu đồng. Dự kiến, trong tháng 10 này Công an TP sẽ kiểm tra định kỳ đối với các DN đòi nợ thuê. Năm 2018, theo UBND TP.HCM, tổng số nợ nhận ủy quyền để đòi của các DN trên 80.000 tỉ đồng nhưng tổng nợ chỉ đòi được gần 4.000 tỉ đồng.
Người cho vay, chủ nợ luôn mong muốn sẽ nhận lại được tiền nhưng trên thực tế cũng có nhiều người đi vay chây ì, không muốn trả nợ. Trong khi đó, VN chưa có khung pháp lý bảo vệ người cho vay. Còn việc đòi nợ thông qua tòa án quá nhiêu khê.
Đó là chưa kể nhiều hoạt động vay mượn chỉ phát sinh dưới hợp đồng tay, thậm chí hợp đồng miệng... nên không đủ bằng chứng pháp lý. Tuy nhiên, nếu cấm hoạt động này nhằm tránh các biến tướng cho xã hội thì lại khiến môi trường kinh doanh trở nên hẹp đi. Luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM (TP.HCM) cho rằng, không nên cấm vì trong xã hội mọi người bình đẳng trước mọi hoạt động kinh doanh, trừ những vấn đề liên quan an ninh quốc phòng, an ninh quốc gia... Việc biến tướng trong đòi nợ thuê thời gian qua phát sinh nhiều là do quản lý chưa tới. “Kinh doanh đòi nợ trong khuôn khổ pháp luật cho phép là cần thiết vì có cầu sẽ có cung, có rơi vào hoàn cảnh chủ nợ bị quỵt sẽ hiểu sự chây ì của con nợ tạo bức xúc như thế nào”, luật sư Toản nhấn mạnh.
Tương tự, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu chỉ nhìn từ góc độ tiêu cực của dịch vụ đòi nợ thuê, thì việc cấm là để... bớt phiền hà. Bởi mô hình đòi nợ thuê tại Mỹ hay các quốc gia phát triển là “rất bình thường” của một nền kinh tế.
Ông nói: “Ở Mỹ, ngay cả các tổ chức tín dụng, ngân hàng, cá nhân cho vay, khi phát sinh các khoản nợ không đòi được, lại chưa muốn nhờ đến tòa án can thiệp, họ có thể ủy quyền cho công ty thu hồi nợ giúp. Quan trọng là công ty đòi nợ này phải cực kỳ chuyên nghiệp, người đòi nợ phải có khả năng thuyết phục, lý lẽ rõ ràng, phải có nghệ thuật đòi nợ chứ không chỉ dọa dẫm nhau là thành công. Tại VN, tôi nghĩ vấn đề là chúng ta chưa có khung pháp lý cụ thể, nên nảy sinh tiêu cực, biến tướng trong đòi nợ, hành xử kiểu giang hồ, xã hội đen, hù dọa nhau để lấy được nợ là chính, nên mới xảy ra những vấn đề bất ổn trong đòi nợ thuê là vậy”. Như vậy, khi có công cụ pháp lý trong tay, công ty đòi nợ chuyên nghiệp, nhân viên được đào tạo bài bản, am hiểu luật pháp là điều cần thiết và có thể đưa vào trong quy định cho phép thành lập công ty đòi nợ, nếu có.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.