Theo bà Jitania Kandhari, Phó Giám đốc Đầu tư và Trưởng phòng Nghiên cứu Vĩ mô Thị trường Mới nổi tại ngân hàng Morgan Stanley, nền kinh tế Trung Quốc đang được đầu tư quá mức, sử dụng đòn bẩy quá mức và cung đang vượt cầu.
Tình hình này trái ngược với Ấn Độ, nơi mà lãnh đạo của Morgan Stanley cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội để đầu tư.
Trung Quốc trong quá khứ là địa điểm thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp hấp dẫn nhất thế giới. Nhưng theo thời gian, nền kinh tế của nước này đã trưởng thành, vươn lên vị trí số 2 toàn cầu sau Mỹ. Do đó, nước này dần mất đi những lợi thế để thu hút đầu tư, như không còn là thị trường lao động rẻ nhất, các chính sách ưu đãi cũng giảm dần.
Trong bối cảnh đó, các tập đoàn đa quốc gia thực hiện chiến lược “Trung Quốc +1”, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc. Trong "Chiến lược Trung Quốc + 1", các nhà đầu tư sẽ không chỉ đầu tư vào Trung Quốc mà còn vào các nền kinh tế nhiều tiềm năng như Ấn Độ, Thái Lan hoặc Việt Nam. Chiến lược này giúp các nước trong khu vực hưởng lợi, trong đó có Việt Nam.
Trong mối tương quan giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Trung Quốc đang dư thừa nhiều nguồn cung, trong khi Ấn Độ lại đang thiếu.
Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang ngập trong nợ nần và gặp khó khăn do doanh số bán hàng yếu. Doanh số bán nhà mới của 100 nhà phát triển bất động sản hàng đầu đã giảm khoảng 1/3 trong tháng 6 và tháng 7 so với một năm trước.
Trong khi đó, Ấn Độ đang bắt đầu một chu kỳ mới trong lĩnh vực bất động sản. Nước này cũng thúc đẩy chính sách sản xuất tại Ấn Độ bằng nhân công trong nước, qua đó dần trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu trên nhiều lĩnh vực.
Bình luận (0)