Điểm xung đột: Đồng minh trong thế kẹt vì Israel; sẽ không cấm Ukraine đánh đất Nga bằng vũ khí Mỹ?

Điểm xung đột: Đồng minh trong thế kẹt vì Israel; sẽ không cấm Ukraine đánh đất Nga bằng vũ khí Mỹ?

24/05/2024 21:43 GMT+7

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cuối ngày 23.5 cho biết quân đội Nga "hoàn toàn sa lầy" trong các trận chiến trên đường phố nhằm giành thị trấn Vovchansk ở tỉnh Kharkiv và phải chịu "tổn thất rất nặng nề".

Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cuối ngày 23.5.2024 cho biết quân đội Nga “hoàn toàn sa lầy” trong các trận chiến trên đường phố nhằm giành thị trấn Vovchansk ở tỉnh Kharkiv và phải chịu “tổn thất rất nặng nề”.

Trước đó, Nga phát động một cuộc tấn công mới vào ngày 10.5 ở phía bắc tỉnh Kharkiv. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 16.5 xác nhận lực lượng Moscow đã cố gắng tiến sâu khoảng 10km vào khu vực nhưng đã bị chặn lại trước tuyến phòng thủ đầu tiên.

Tướng Syrskyi hôm qua cho biết quân đội Nga hiện đang triển khai lực lượng dự bị từ nhiều khu vực khác nhau đến khu vực. Tuy nhiên, Nga đã chuyển sang phòng thủ tích cực gần làng Lyptsi, bằng cách gài mìn khu vực xung quanh và pháo kích vào các vị trí của binh lính Ukraine.

Giao tranh được cho là đang diễn ra tại khu vực rừng phía bắc thành phố Kupiansk ở tỉnh Kharkiv. Tướng Syrskyi nói: “Tình hình rất khó khăn ở khu vực Kyslivka, nơi đối phương đang cố gắng xuyên thủng hàng phòng ngự của chúng tôi và tiến tới sông Oskil”. Ông nói giao tranh ở khu vực Pokrovsk và Kurakhove là “dữ dội và ác liệt nhất”.

Bên cạnh đó, giao tranh dữ dội cũng đang diễn ra gần làng Ivanivske và thị trấn Chasiv Yar ở tỉnh Donetsk. Ông nói các lực lượng Nga đang cố gắng “bám lấy Chasiv Yar bằng mọi giá”, tung vào nơi này nhiều trang thiết bị hiện đại.

Lực lượng Nga trong những tuần gần đây đã kiểm soát được diện tích lãnh thổ rộng lớn nhất ở miền đông Ukraine trong vòng một năm qua, giữa lúc Kyiv chờ đợi nguồn cung vũ khí từ Mỹ và châu Âu. Bộ Quốc phòng Nga hôm 23.5 cho biết họ đã tái kiểm soát làng Andriivka ở tỉnh Donetsk. Đây là một trong số ít ngôi làng mà Ukraine giành lại được sau cuộc phản công mờ nhạt vào mùa hè năm ngoái.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Tổng thống Volodymyr Zelensky quy trách nhiệm cho các đối tác quốc tế của Kyiv vì không cung cấp đủ hệ thống phòng không hoặc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công các bệ phóng tên lửa bên trong lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, đã có những tín hiệu thay đổi, khi tờ The New York Times cho biết người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ là ông Antony Blinken đang ủng hộ việc cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.

Phản hồi về việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ủng hộ dỡ lệnh cấm Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí Mỹ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 23.5 phát biểu rằng: "Lập trường này hoàn toàn vô trách nhiệm, đặt ra tình huống cực kỳ nguy hiểm với những hậu quả khôn lường".

Ông Peskov cho biết Mỹ và một số nước châu Âu khác liên tục kích động leo thang, đồng thời gọi hành động này là "đổ thêm dầu vào lửa". Ông Peskov nhấn mạnh: "Tất cả các chuyên gia đều thấy rõ rằng không có loại vũ khí nào có khả năng xoay chuyển tình thế trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt". Ngược lại, việc cung cấp vũ khí đang kéo dài cuộc chiến của người Ukraine.

Hiện Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang tích cực vận động Mỹ và các đồng minh phương Tây khác cho phép Kyiv sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công Nga.

Trong khi đó, một đồng minh của Mỹ là Anh mới đây cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để chuyển các vũ khí sát thương cho Nga sử dụng ở Ukraine, dù không cung cấp bằng chứng nào cho điều này. Ngay lập tức phía Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc trên.

Chính phủ Na Uy thông báo, kể từ ngày 29.5, hầu hết khách du lịch Nga sẽ không thể vào Na Uy, quốc gia có 198 km biên giới chung với Nga. Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Tư pháp và An ninh công cộng Na Uy Emilie Enger Mehl tuyên bố: “Quyết định thắt chặt các quy định nhập cảnh phù hợp với cách tiếp cận của Na Uy, đó là sát cánh cùng các đồng minh và đối tác trong phản ứng chống lại cuộc chiến bất hợp pháp của Nga ở Ukraine”.

Na Uy, hiện là một thành viên của NATO, đã ngừng cấp hầu hết các loại thị thực (visa) du lịch cho công dân Nga vào mùa xuân năm 2022, sau khi xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Tuy nhiên những người Nga có thị thực dài hạn đã được cấp trước đó, hoặc có thị thực được cấp bởi các quốc gia thuộc khối đi lại tự do Schengen ở châu Âu, vẫn có thể nhập cảnh Na Uy qua cửa khẩu Storskog-Boris Gleb, cửa khẩu duy nhất giữa hai quốc gia. Nhưng kể từ ngày 29.5, họ sẽ không thể làm như vậy được nữa.

Moscow ngày 23.5 tuyên bố sẽ đáp trả chính sách mang tính “phân biệt đối xử” này. Theo đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày nói rằng quyết định của Oslo “rõ ràng là sẽ vấp phải hành động đáp trả”.

Tổng thống Vladimir Putin trong ngày 23.5 cũng đã ký một sắc lệnh mang tính chất trả đũa một động thái gần đây của Washington.

Liên quan về tình hình xung đột tại Gaza, như truyền hình Báo Thanh Niên đã đưa tin, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha hôm 22.5 thông báo họ sẽ chính thức công nhận Nhà nước Palestine vào ngày 28.5. Quyết định này nhận được những lời tán dương từ nhiều nước Hồi giáo và Ả Rập, nhưng khiến Israel giận dữ và lập tức phản ứng một cách quyết liệt.

Chỉ trích hành động của 3 nước châu Âu, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói bước đi này là “phần thưởng cho bọn khủng bố”, theo Reuters. Ông cũng cho rằng một nhà nước Palestine độc lập sẽ “cố gắng tái diễn sự kiện thảm sát ngày 7.10 hết lần này đến lần khác”, tức là nhắc đến vụ tấn công của lực lượng Hamas ở miền nam Israel năm ngoái. Israel, cũng như Mỹ và EU, vốn xem Hamas là tổ chức khủng bố.

Israel đã triệu hồi đại sứ ở Dublin, Madrid và Oslo về nước để “tham vấn khẩn cấp”. Một quan chức Israel tiết lộ với Reuters rằng đại sứ của Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha cũng đã nhận được yêu cầu triệu tập tại Bộ Ngoại giao Israel ở Jerusalem vào ngày 23.5.

Cũng trong ngày 22.5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thừa nhận Washington đang lo lắng việc Tel Aviv ngày càng bị cô lập về ngoại giao.

Trước đó, công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Karim Khan ngày 20.5 đã xin lệnh bắt giữ thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng Israel cũng như các lãnh đạo Hamas. Trong trường hợp ICC phê chuẩn lệnh bắt quan chức Israel và Hamas, áp lực có thể đặt lên 124 nước thành viên, trong đó có nhiều đồng minh và đối tác thân cận của Israel.

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cho biết sẽ ra phán quyết trong hôm nay về kiến nghị được Nam Phi đệ trình hôm 10.5, trong đó kêu gọi tòa ra lệnh cho Israel thực thi lệnh ngừng bắn và đình chỉ chiến dịch tấn công Dải Gaza.

Truyền thông Israel ngày 23.5 cho biết chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang chuẩn bị cho “kịch bản xấu nhất”, với lo ngại rằng phán quyết của ICJ sẽ yêu cầu Tel Aviv ngừng hoạt động quân sự tại Rafah, thành phố cực nam Dải Gaza, hoặc thậm chí là chấm dứt hoàn toàn chiến dịch tại Gaza.

Trang tin Ynet dẫn lời các quan chức Israel nhận định ít có khả năng ICJ sẽ từ chối yêu cầu của Nam Phi về việc ra lệnh chấm dứt hoàn toàn giao tranh tại Dải Gaza. Khả năng tòa án chấp nhận kiến nghị ban đầu của nước này về việc tạm dừng chiến dịch là 50/50, còn kịch bản ICJ tập trung vào lệnh ngừng bắn ở Rafah là “từ trung bình đến cao”.

Nhưng bất chấp sức ép, Israel vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự ở Gaza. Giới chức y tế và truyền thông Hamas cho biết quân đội Israel hôm 23.5 đã oanh tạc trên không và trên bộ khắp Gaza, cũng như tham gia các trận đánh giáp lá cà với lực lượng Hamas tại TP.Rafah ở cực nam lãnh thổ này.

Liên quan về diễn biến nóng quanh đảo Đài Loan, Quân đội Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận hiệp đồng tại khu vực này chỉ 3 ngày sau khi vùng lãnh thổ có lãnh đạo mới.

Trong bài phát biểu hôm nay tại Diễn đàn Tương lai châu Á ở Tokyo (Nhật Bản), Phó thủ tướng Singapore Gan Kim Yong cho biết đảo Đài Loan trở thành “một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất” trong khu vực giữa bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc ngày càng gia tăng.

Ông Gan nói: “Bất kỳ cuộc đụng độ nào ở eo biển Đài Loan sẽ gây ra hậu quả thảm khốc không chỉ cho các bên liên quan mà còn cho toàn thế giới”.

Vị quan chức này nhận định rằng: “Cặp quan hệ Mỹ - Trung có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trên toàn cầu nhưng không may lại bị mang dấu ấn của sự nghi kị và mất lòng tin sâu sắc. Khi các bên coi nhau là kẻ thù, nguy cơ xảy ra sự cố và tính toán sai lầm sẽ tăng lên”.

Trước tình hình đó, Phó thủ tướng Gan kêu gọi Mỹ và Trung Quốc cùng xây dựng lòng tin và hợp tác về Đài Loan cũng như các vấn đề khác. Ông nhấn mạnh nền kinh tế khu vực sẽ thịnh vượng nếu duy trì hòa bình và ổn định.

Trước đó, Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài cũng khẳng định Singapore tuân thủ chính sách “một Trung Quốc”, đồng thời không cho phép nước mình bị lợi dụng vì bất kỳ lý do gì để ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.