Điểm xung đột: F-16 đang đến Ukraine; Hạm đội biển Đen mất 'nhà' ở Crimea?

Điểm xung đột: F-16 đang đến Ukraine; Hạm đội biển Đen mất 'nhà' ở Crimea?

11/07/2024 23:00 GMT+7

Trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, các nước thành viên NATO tuyên bố không công nhận việc Nga sáp nhập các khu vực mới ở Ukraine cũng như bán đảo Crimea.

Các nhà lãnh đạo NATO cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine, cũng như khỏi Moldova và Georgia.

Bên cạnh đó, tuyên bố chung khẳng định: “Tương lai của Ukraine là ở NATO. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nước này trên con đường không thể đảo ngược để hội nhập hoàn toàn khu vực, bao gồm cả tư cách thành viên NATO”.

Như Báo Thanh Niên đã đưa tin, hội nghị thượng đỉnh NATO đã diễn ra ở Washington vào ngày 9-11.7. Các nhà lãnh đạo của liên minh quân sự đã tập trung thảo luận về cuộc đối đầu với Nga và việc hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Sau ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh NATO, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói sự kiện này đã tái khẳng định “bản chất gây hấn của liên minh NATO”. Đại sứ Antonov cáo buộc các nước thành viên NATO đang đi trên con đường leo thang căng thẳng và trên thực tế đang mở đường cho Thế chiến III.

Nhà ngoại giao Nga cho rằng các nước này đang bị thúc đẩy bởi sự tuyệt vọng vì không thể đánh bại Nga bằng cách sử dụng Ukraine làm lá chắn.

Từ hội nghị thượng đỉnh này, một tin vui cho Ukraine đã được thông báo. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết lô F-16 đầu tiên do Mỹ chế tạo đang được chuyển từ Đan Mạch và Hà Lan đến Ukraine và sẽ bay trên bầu trời Ukraine vào mùa hè này.

Trong khi đó, Hãng tin Bloomberg ngày 10.7 đưa tin tân Thủ tướng Anh Keir Starmer ra tín hiệu Ukraine có thể sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga. Cụ thể thì ông Starmer nói rằng việc sử dụng tên lửa của Anh như thế nào là tùy thuộc vào Ukraine.

Phản ứng phát biểu trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga sẽ đáp trả nếu Anh cho phép Ukraine tấn công Nga bằng vũ khí của Anh. Ông Peskov cho rằng động thái của Anh là “bước leo thang vô trách nhiệm”.

Chuyển sang các thông tin về xung đột tại Trung Đông. Mỹ sẽ nối lại việc gửi bom 500 lb (230kg) cho Israel, trong khi tiếp tục ngừng cung cấp bom 2.000 lb (907kg) vì lo ngại loại bom hạng nặng này có thể được sử dụng để tấn công các khu vực đông dân cư của Gaza.

Hồi háng 5, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngừng cung cấp hai dòng bom 230kg và 900kg cho cho Israel. Washington đặc biệt quan ngại khả năng quân đội Israel sẽ dùng các loại bom hạng nặng tấn công thành phố Rafah, là nơi tập trung hơn 1 triệu dân Palestine.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào tháng 6 xác nhận rằng Mỹ ngừng gửi bom cho nước này, và kêu gọi giới chức Washington tìm cách tháo dỡ vướng mắc. Tình trạng trục trặc chỉ diễn ra đối với một lô hàng liên quan đến bom, và Israel vẫn liên tục nhận được vũ khí từ Mỹ.

Trong khi đó, lực lượng Houthi tiếp tục hoạt động tấn công các tàu hàng ở biển Đỏ và vịnh Aden nhằm thể hiện tình đoàn kết với lực lượng Hamas ở Gaza.

Để bảo vệ tuyến đường này, ngoài hải quân Mỹ và Anh thì còn một nhóm tàu hải quân của nhiều nước châu Âu. Lực lượng này mới đây cho biết đã bắn hạ hai UAV tự sát của Houthi.

Theo Cơ quan y tế tại Gaza, hơn 38.000 người Palestine thiệt mạng kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng nổ vào ngày 7.10.2023. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây trên tạp chí y khoa Lancet chỉ ra rằng số người chết thực tế có thể cao hơn gần gấp 5 lần so với dữ liệu chính thức.

Theo nghiên cứu này, số người thiệt mạng cao hơn vì số liệu chính thức chưa tính đến hàng ngàn người chết bị chôn vùi dưới đống đổ nát và những người chết gián tiếp do cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống phân phối thực phẩm và công trình công cộng khác bị phá hủy.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 11.7.2024 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.