Điểm xung đột: Mỹ lo vũ khí mới của Houthi; Nga mở rộng tấn công từ Avdiivka

Điểm xung đột: Mỹ lo vũ khí mới của Houthi; Nga mở rộng tấn công từ Avdiivka

19/02/2024 23:21 GMT+7

Ngày 19.2, Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) thông báo đã tấn công các tàu và tên lửa hành trình chống hạm của lực lượng Houthi ở Yemen.

Liên quan đến tàu Anh bị tấn công, phiến quân Houthi ở Yemen cùng ngày xác nhận họ đã tấn công tàu chở hàng có tên Rubymar ở Vịnh Aden và con tàu này hiện có nguy cơ bị chìm.

Người phát ngôn quân đội Houthi Yahya Sarea cho biết thủy thủ đoàn an toàn. Ông nói rằng lực lượng Houthi cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ ở thành phố cảng Hodeidah. Ông Sarea nói “Con tàu bị thiệt hại nặng khiến nó phải dừng lại hoàn toàn. Do bị hư hại nặng nề nên con tàu hiện có nguy cơ chìm ở Vịnh Aden”.

Lực lượng Houthi liên kết với Iran đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhằm vào hoạt động vận chuyển thương mại quốc tế ở Biển Đỏ và Eo biển Bab al-Mandab - tuyến đường chiếm khoảng 12% lưu lượng vận chuyển của thế giới - theo những gì họ nói là một nỗ lực nhằm hỗ trợ người Palestine trong cuộc chiến giữa Israel và các chiến binh Hamas ở Dải Gaza.

Các cuộc tấn công đã khiến một số công ty phải tạm dừng các chuyến hành trình qua Biển Đỏ và thực hiện lộ trình dài hơn và đắt đỏ hơn quanh châu Phi. Máy bay chiến đấu của Mỹ và Anh đã thực hiện các cuộc tấn công trả đũa trên khắp Yemen.

Chuyển sang thông tin về xung đột Ukraine. Hãng thông tấn TASS dẫn báo cáo được Bộ Quốc phòng Nga công bố chiều 18.2 cho biết quân đội nước này đã thiết lập toàn quyền kiểm soát Avdiivka của Ukraine và đã tiến được 8,6km ở phần tiền tuyến đó.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, số diện tích mà nước này kiểm soát ở Avdiivka là 31,75 km2 và Ukraine đã mất thêm 1.500 quân nhân trong hai ngày 17 và 18.2.

Kyiv đã tuyên bố rút quân khỏi Avdiivka. Chiến thắng ở Avdiivka là thắng lợi lớn nhất của Nga kể từ khi giành được TP.Bakhmut cũng thuộc tỉnh Donetsk vào tháng 5.2023, và sau gần 2 năm kể từ ngày 2 nước nổ ra cuộc xung đột toàn diện.

Tuy nhiên, phía Nga cho biết một số binh sĩ Ukraine vẫn đang cố thủ trong một nhà máy than cốc rộng lớn tại thành phố này. Moscow cũng xem việc rút quân của Kyiv là “vội vã và hỗn loạn”, để lại một số binh lính và vũ khí.

Đáp lại, quân đội Ukraine xác nhận đã có thương vong trong các binh sĩ, song chỉ ở mức tối thiểu. Tuy nhiên, phát ngôn viên quân đội Ukraine Dmytro Lykhoviy nói rằng tình hình đã phần nào ổn định ở mặt trận phía đông Avdiivka sau quyết định rút quân hôm 17.2.

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 18.2, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết các vấn đề địa chính trị quan trọng nhất mà EU phải đối mặt hiện nay có liên quan Ukraine, tờ The Guardian đưa tin.

Theo ông, EU phải tăng cường và cung cấp cho Ukraine các cam kết an ninh, và trong đó, quan trọng nhất là trao cho nước này là tư cách thành viên của liên minh.

Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo rằng EU phải xem xét các kịch bản khác nhau về mức độ tham gia của Mỹ đối với tình hình an ninh châu Âu.

Trong khi đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trên kênh truyền hình Rossiya-1 rằng nước này sẵn sàng chấm dứt xung đột ở Ukraine một cách hòa bình, song “không có dấu hiệu nào cho thấy Kyiv muốn điều này”. Theo ông Putin, nếu không có lập trường của phương Tây, cuộc chiến đã chấm dứt từ 1 năm rưỡi trước.

Tổng thống Putin cho biết Nga sẵn sàng đối thoại để kết thúc chiến sự. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận nền hòa bình mà trong đó nước này bị mất lãnh thổ.

Theo giới chức Ukraine, nước này chỉ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán một khi giành lại toàn bộ lãnh thổ bị mất vào tay Nga, bao gồm 4 tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson, và bán đảo Crimea mà Moscow đơn phương sáp nhập từ năm 2014.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 19.2.2024 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.