Điểm xung đột: Thách thức cho F-16 ở Ukraine; châu Âu 'hứa lèo' về đạn pháo?

Điểm xung đột: Thách thức cho F-16 ở Ukraine; châu Âu 'hứa lèo' về đạn pháo?

14/07/2024 23:09 GMT+7

Theo kênh DeepState có liên hệ với Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (GRU), lực lượng Nga vào hôm qua 13.7 đã kiểm soát được làng Urozhaine ở vùng Donetsk. Đây là ngôi làng mà Ukraine đã giành lại được trong cuộc phản công vào năm ngoái.

Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu Ukraine tính đến 22h00 ngày 13.7, đã có 149 cuộc đụng độ xảy ra trong ngày, và tình hình vẫn đang căng thẳng trên nhiều mặt trận.

Báo cáo có đoạn: “Quân Nga đã tiến hành 2 cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Ukraine, sử dụng 3 tên lửa; 57 cuộc không kích sử dụng 103 bom KAB. Ngoài ra, đối phương đã triển khai 512 UAV cũng như thực hiện hơn 3.200 cuộc tấn công bằng nhiều loại vũ khí khác nhau”.

Trong bối cảnh đó, tin vui đối với Ukraine vào tuần qua là việc các tiêm kích F-16 do phương Tây viện trợ sẽ sớm bảo vệ bầu trời Ukraine ngay trong mùa hè này. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn thách thức trong việc triển khai rộng rãi loại chiến đấu cơ này ở Ukraine, mà khó khăn phần lớn nằm ở cơ sở hạ tầng sân bay, trang thiết bị, phụ tùng linh kiện phụ trợ, và cả rào cản ngôn ngữ.

Theo các chuyên gia phương Tây, tiêm kích F-16 sẽ có nhiều tác dụng đối với quân đội Ukraine. Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), cho rằng Ukraine sẽ chủ yếu sử dụng phi cơ F-16 cho nhiệm vụ phòng không, bên cạnh việc yểm trợ binh lính trên tiền tuyến và thực hiện “một số cuộc tấn công gây nhiều chú ý” vào lãnh thổ Nga.

Đồng quan điểm này là ông Michael Bohnert, chuyên gia của hãng tư vấn RAND, khi cho rằng phi cơ F-16 sẽ giúp đánh chặn tên lửa hành trình Nga và bảo vệ các khu vực mà Ukraine không triển khai hệ thống phòng không mặt đất.

Ngoài ra, tiêm kích F-16 còn có thể đóng vai trò mồi nhử để thu hút hỏa lực phòng không của Nga, cũng như buộc đối phương phải phân bổ thêm nguồn lực để có thể tìm cách tiêu diệt các máy bay này.

Dù vậy, một số chuyên gia phương Tây nhận định rằng tiêm kích F-16 sẽ không phải là “vũ khí kỳ diệu” có khả năng thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường. Chuyên gia Cancian chỉ ra thực tế là số lượng F-16 Ukraine sẽ có là không đủ để chiếm ưu thế trên không.

Bên cạnh đó, theo trang Business Insider, tiêm kích F-16 sẽ đối mặt với nhiều thách thức tại Ukraine trong bối cảnh Nga đang triển khai nhiều hệ thống phòng không hiện đại ở đây. Quân đội Ukraine cũng đang gặp vấn đề trong việc thích nghi với cách chiến đấu của phương Tây, đặc biệt khi tiến hành các chiến dịch hiệp đồng phức tạp.

Cũng trong ngày 13.7, Điện Kremlin cảnh báo kế hoạch triển khai tên lửa của Mỹ tại Đức có thể khiến thủ đô các nước châu Âu trở thành mục tiêu của Nga.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, nói trên kênh truyền hình nhà nước Russia 1 rằng: “Châu Âu sẽ là mục tiêu của tên lửa Nga, nếu nước Nga nằm trong tầm ngắm của tên lửa Mỹ ở châu Âu”. Ông Peskov cảnh báo: “Nga có đủ khả năng ngăn chặn những tên lửa này, nhưng nạn nhân có thể là thủ đô của những quốc gia đó”.

Mỹ gần đây thông báo tại hội nghị thượng đỉnh NATO về việc sẽ triển khai vũ khí tầm xa, trong đó có tên lửa hành trình Tomahawk, ở Đức từ năm 2026. Mỹ cho biết đây là biện pháp để tăng tính răn đe và năng lực phòng thủ của châu Âu.

Ông Peskov ám chỉ rằng một cuộc đối đầu có thể hủy hoại toàn bộ châu Âu. Ông nói: “Châu Âu không còn sống trong thời kỳ tươi đẹp nhất. Nếu họ chọn con đường như vậy, lịch sử lặp lại là điều không thể tránh khỏi”.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 14.7.2024 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.