Ngày 6.7, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP.Cần Thơ vừa có kết luận điều tra lại vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại hơn 300 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ).
Theo kết luận điều tra mới này, Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố 6 bị can gồm: Lê Thanh Hải (cựu Giám đốc Agribank Cần Thơ), Trần Huy Liệu (cựu Phó giám đốc Agribank Cần Thơ), Bùi Tuấn Anh (cựu Trưởng phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ), Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Giám đốc Công ty TNHH MTV nông thủy sản Tây Nam, gọi tắt Công ty Tây Nam), Phạm Tường Thi và Nguyễn Văn Đạt (Giám đốc và Trưởng ban Kiểm soát Công ty TNHH Tân Tiến).
Các bị can nói trên bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Cơ quan điều tra xác định, các bị can đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Agribank với số tiền thiệt hại hơn 303,6 tỉ đồng.
Xác định 3 bị can chủ mưu trong vụ án
Kết luận mới của Cơ quan ANĐT Công an TP.Cần Thơ kết luận, Lê Thanh Hải với vai trò Giám đốc Agribank Cần Thơ đã thông đồng, câu kết với Trần Huy Liệu, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bàn bạc, khởi xướng, cùng giữ vai trò chủ mưu, cố ý thực hiện hành vi phạm tội trong một thời gian dài đối với nhiều khoản vay. Cả 3 bị can này đã chỉ đạo cho nhân viên, cấp dưới của mình thực hiện hành vi trái pháp luật, bất chấp hậu quả xảy ra. Cả 3 phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án với toàn bộ số tiền thiệt hại hơn 300 tỉ đồng đã gây ra cho Agribank chi nhánh Cần Thơ.
Cũng theo kết luận điều tra, bị can Hải đã tin tưởng bị can Nhân có mối quan hệ xã hội rộng tại địa phương, gia đình có kinh nghiệm kinh doanh về thủy sản cũng như đặt nhiều niềm tin vào dự án của Nhân. Thêm nữa, Hải mới được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Agribank Cần Thơ nên muốn tăng trưởng tín dụng cho đơn vị; đồng thời Hải còn được Nhân hứa cho đất...
Chính vì vậy, Hải đã bỏ qua các quy định của pháp luật về cho vay, nâng khống giá trị tài sản thế chấp cho Công ty Tây Nam vay vốn, giải ngân và hỗ trợ lãi suất cho Công ty Tây Nam sai quy định. Trong quá trình cho vay, Hải lại tiếp tục câu kết với các bị can trong vụ án nâng khống giá trị tài sản thế chấp, chỉ đạo cho vay vốn, giải ngân sai quy định các khoản vay nhằm che đậy sai phạm. Hành vi trên đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Agribank Việt Nam.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 7.7
Lợi dụng quy định, chính sách của Nhà nước về cho vay để trục lợi
Đối với Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, dù chưa đủ năng lực tài chính, không có khả năng thực hiện dự án, nhưng lợi dụng chính sách của nhà nước rồi thông đồng, câu kết với Hải, Liệu và Tuấn Anh lập hồ sơ khống cho Công ty Tây Nam vay vốn. Đồng thời, nâng khống giá trị tài sản thế chấp, nâng khống dự toán giá trị máy móc, thiết bị cấp đông để được giải ngân số tiền lớn và hưởng hỗ trợ lãi suất nhiều hơn.
Đặc biệt, số tiền vay được từ Agribank Cần Thơ, Nhân không sử dụng đúng vào mục đích mua máy móc thiết bị như hợp đồng mà đem gửi tiết kiệm ngược lại vào ngân hàng này để trục lợi. Ngoài ra, Nhân còn dùng tiền vay ưu đãi từ Agribank Cần Thơ mua đất trên đường Nguyễn Trãi, tiêu xài cá nhân, trả nợ gốc, lãi các khoản vay...
Khi không còn tiền để thực hiện dự án, sợ bị cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, Nhân đã tiếp tục bàn bạc với các bị can lập hồ sơ khống, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để có tiền tiếp tục đầu tư vào dự án. Tiền được giải ngân, Nhân chỉ sử dụng một phần tiền để thực hiện dự án, còn lại sử dụng sai mục đích, dẫn đến mất khả năng thanh toán.
Cơ quan công an cũng xác định từ năm 2006 - 2013, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đã thành lập, điều hành 7 công ty, chỉ định nhân viên làm giám đốc, kế toán để vay vốn của Agribank Cần Thơ. Tuy nhiên, trong 7 công ty trên, chỉ có một công ty hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, nhưng hoạt động cầm chừng, không có doanh thu. Các công ty còn lại không hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, mà mua bán nhỏ lẻ hoặc không hoạt động, chủ yếu là hoạt động vay và trả lãi vay qua lại giữa các công ty.
Kết luận điều tra nhận định, đây là vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" đặc biệt nghiêm trọng, các bị can trong vụ án đã lợi dụng các quy định, chính sách của Nhà nước về cho vay, đặc biệt là chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, các bị can đã cấu kết cùng thực hiện hành vi phạm tội để trục lợi cá nhân. Hành vi phạm tội của các bị can đã vi phạm các quy định về cho vay, diễn ra trong một thời gian dài, thực hiện sai chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trước đó, tháng 1.2022, TAND TP.Cần Thơ xét xử sơ thẩm, tuyên cả 6 bị cáo không phạm tội. Sau đó, Viện KSND cùng cấp có kháng nghị, đề nghị hủy án sơ thẩm để xét xử lại.
Đến tháng 8.2022, tại phiên xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Viện KSND TP.Cần Thơ truy tố, xét xử lại.
Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2015, Nhân, Hải, Liệu thống nhất sử dụng các pháp nhân là Công ty Tây Nam, Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam bộ Cửu Long và cá nhân Phan Duy Phương, Hoàng Công Tám, Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay và sử dụng vốn sai mục đích, gây thiệt hại về tài sản cho Agribank Cần Thơ số tiền hơn 300 tỉ đồng.
Trong giai đoạn làm thủ tục vay tiền, Nhân dùng khu đất có căn nhà làm siêu thị Citimart trên đường Nguyễn Trãi (Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) để thế chấp. Tài sản này trị giá 104 tỉ đồng, nhưng được Hải, Liệu bàn bạc với Nhân nâng khống lên 333 tỉ đồng. Số tiền vay được từ gói vay hỗ trợ lãi suất 0%, Nhân sử dụng không đúng mục đích, không mua máy móc thiết bị mà gửi tiết kiệm ngược lại cho Agribank Cần Thơ gần 150 tỉ đồng, mua miếng đất trên đường Nguyễn Trãi gần 60 tỉ đồng, chi xài cá nhân trên 21 tỉ đồng, còn lại trả nợ gốc và lãi các khoản vay…
Vụ án thất thoát hơn 300 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ được khởi tố năm 2016, đưa ra xét xử lần đầu tiên vào năm 2018 và nhiều lần tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Bình luận (0)