Với chủ đề “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh”, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023 khai mạc tại Davos (Thụy Sĩ) vào ngày 16.1 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện nhiều thách thức cần phối hợp giải quyết. Theo WEF, hơn 2.700 khách mời tham dự Hội nghị WEF lần thứ 53 tại Davos, trong đó có hơn 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng hơn 300 bộ trưởng. Bên cạnh đó, hơn 1.500 giám đốc điều hành từ 700 công ty và tổ chức cũng có mặt tại Davos, số lượng kỷ lục từ trước đến nay.
Thế giới phân mảnh
Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab cho biết thế giới đang rơi vào khủng hoảng với sự phân mảnh ngày càng tăng ở cấp độ toàn cầu và sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia.
Thị trấn Davos nơi diễn ra Hội nghị WEF 2023 |
AFP |
“Để giải quyết tận gốc nguyên nhân của sự xói mòn lòng tin này, chúng ta cần tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững. Phải nhận thức rằng phát triển kinh tế cần phải linh hoạt hơn, bền vững hơn và không ai bị bỏ lại phía sau”, thông cáo của WEF dẫn lời ông nhận định.
Theo Bloomberg, một thời kỳ mới của sự đối đầu giữa các thế lực lớn đang vẽ lại bản đồ nền kinh tế thế giới và buộc giới lãnh đạo doanh nghiệp lèo lái giữa hàng loạt điểm nóng trên toàn cầu. Chiến sự ở Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung Quốc khiến giới lãnh đạo chính trị đặt ra những ưu tiên mới về kinh tế, trong khi xoay xở giải quyết tình trạng thiếu hụt hàng hóa quan trọng. Các cuộc thảo luận trong 5 ngày hội nghị dự kiến xoay quanh những nguy cơ địa chính trị mới nổi, khi những doanh nghiệp lớn tưởng rằng thế giới phẳng đã được thiết lập thành công thì nay lại gặp trở ngại.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới phân mảnh hơn, trong đó có sự mong manh về tài chính. Do đó, rõ ràng điều mọi người luôn suy nghĩ là nên đầu tư vào đâu, như thế nào trong một thế giới đa cực hơn”, theo chuyên gia Karen Harris tại Công ty tư vấn Bain & Co (Mỹ) tham dự WEF.
Vì sao kinh tế năm 2023 sẽ có cảm giác suy thoái? |
Hàng loạt vấn đề
Trong số các vấn đề phủ bóng WEF năm nay có việc vũ khí hóa năng lượng, giữa căng thẳng Nga - phương Tây liên quan chiến sự Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ không bán dầu cho nước nào áp dụng mức trần giá do G7 đưa ra. Việc dừng các đường ống cung cấp khí thiên nhiên của Nga cũng dẫn đến lỗ hổng trong nhu cầu toàn cầu.
Trong khi đó, vật liệu bán dẫn để chế tạo nhiều thứ từ xe điện cho đến tên lửa đạn đạo và công nghệ trí tuệ nhân tạo mới đang trở thành một trong những lĩnh vực “chiến địa” lớn của nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nước ngày càng theo xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng về các nước thân thiện hơn, đồng thời tìm cách trợ cấp cho các nhà sản xuất trong nước để tăng cường khả năng tự chủ, đi ngược lại chủ trương tự do thương mại. Bên cạnh đó còn có xu hướng giảm lệ thuộc vào USD từ những bên cho rằng Mỹ dùng tiền tệ này để đạt những mục tiêu ngoại giao. Ngoài ra, hội nghị năm nay còn tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề khác như năng lượng mới, biến đổi khí hậu, việc làm, đi lại và du lịch, y tế, ứng dụng công nghệ và số hóa thương mại.
Cảnh báo về GDP toàn cầu
Reuters ngày 16.1 dẫn báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu phân mảnh nghiêm trọng có thể kéo theo sự sụt giảm GDP toàn cầu đến 7%, trong đó một số nước có thể giảm từ 8 - 12%. Ngay cả phân mảnh diễn ra ít cũng có thể khiến GDP toàn cầu giảm 0,2%. Báo cáo lưu ý rằng dòng chảy hàng hóa và vốn đã chững lại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009, và tình trạng gia tăng hạn chế thương mại trong những năm tiếp theo. Những nền kinh tế mới nổi và các nước thu nhập thấp dự báo sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi nền kinh tế toàn cầu chuyển dịch theo hướng “khu vực hóa tài chính” và hệ thống chi trả toàn cầu bị phân mảnh. Khả năng của cộng đồng thế giới hỗ trợ các nước trong khủng hoảng sẽ suy yếu, còn việc giải quyết khủng hoảng nợ công trong tương lai cũng sẽ phức tạp hơn.
Bình luận (0)